Kiến thức

Kích hoạt tinh thần, nguồn lực để thanh niên dấn thân khởi nghiệp

Hoài Nguyễn

Các hoạt động tập huấn khởi nghiệp cần đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa, tránh người cần thì không tiếp cận được, người tiếp cận được lại không cần; cần kích hoạt tinh thần, nguồn lực để thanh niên dấn thân vào khởi nghiệp... là những góp ý tâm huyết của các đại biểu tại tổ thảo luận số 3 với chủ đề 'Thanh niên Việt Nam học tập, sáng tạo, khởi nghiệp'.

Mới đây trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, hơn 160 đại biểu đã tham gia tổ thảo luận số 3 với chủ đề “Thanh niên Việt Nam học tập, sáng tạo, khởi nghiệp”

Chị Hồ Hồng Nguyên - Trưởng Ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam khóa VIII, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội SVVN và anh Ngô Minh Hải - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Hội LHTN Việt Nam khóa VIII, Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TPHCM chủ trì tổ thảo luận.

Chị Chảo Thị Yến - Giám đốc Hợp tác xã Tri thức - Bản địa Goong, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chia sẻ tại tổ thảo luận.

Kích thích người trẻ khởi nghiệp trên quê hương

Là đại biểu người dân tộc Dao, khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương, chị Chảo Thị Yến - Giám đốc Hợp tác xã Tri thức - Bản địa Goong, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho rằng, yếu tố con người là quan trọng nhất để từng bước đưa kinh tế nông thôn khởi sắc.

Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, chị Yến không có bạn đồng hành là thanh niên, mà "đi cùng" các cô chú ở bản làng. "Các bạn thanh niên từ 18 tuổi đều đi đến các tỉnh, thành phố lớn để làm công nhân. Lúc đó, tôi không thuyết phục được ai, không níu giữ được các bạn ở lại khởi nghiệp cùng mình", chị Yến kể.

Chị Yến nhận thấy, hiện nay, thanh niên nông thôn chưa có những động lực mạnh mẽ để khơi dậy tinh thần vì cộng đồng, phát triển thôn bản mà vội đi làm ăn xa. “Vì vậy, tôi cho rằng, các hoạt động tập huấn khởi nghiệp cần đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa, tránh người cần thì không tiếp cận được, người tiếp cận được lại không cần”, chị Yến đề xuất.

Các đại biểu tham dự tổ thảo luận số 3 trong khuôn khổ Đại hội.

Đặc biệt, ở địa phương nào cũng cần có người trẻ tiên phong hướng dẫn cho các bạn trẻ khác. Người biết rồi chỉ cho người chưa biết mới khơi dậy được tinh thần cộng đồng, tinh thần sục sôi phát triển trên quê hương.

Nhìn nhận thực tế của thanh niên tỉnh Nghệ An hiện nay, anh Cao Xuân Thảo - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết, hiện chỉ có hơn 20% thanh niên ở lại địa phương; đa số, thanh niên của tỉnh đều đi làm ăn xa và đi xuất khẩu lao động.

Một trong những nguyên nhân chính là thanh niên Nghệ An đang thiếu nguồn lực để dấn thân vào khởi nghiệp trên quê hương, cộng với khó khăn về thời tiết, khí hậu khắc nghiệt.

"Tôi cho rằng, nếu muốn níu giữ thanh niên ở lại, cần có nhiều giải pháp như hỗ trợ vốn vay, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, cụ thể hóa những giải pháp trong Chương trình "Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2022 - 2030... ", anh Thảo nói.

Sáng tạo để cùng nhau đi xa

Tại tổ thảo luận, anh Trần Thái Sơn - Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, hiện nay, số lượng ý tưởng khởi nghiệp, các mô hình đã tăng đáng kể nhưng hàm lượng khoa học thấp. Chính điều đó đã gián tiếp gây nên những khó khăn, rủi ro trong quá trình khởi nghiệp của các bạn trẻ.

“Tôi cho rằng, tổ chức Hội cần tăng cường các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tích hợp tập huấn về khoa học công nghệ từ cấp trường THPT đến các phòng, viện nghiên cứu trong trường đại học. Khi đó, sẽ tạo ra sự tác động kép, một mặt tạo ra các sản phẩm khởi nghiệp có giá trị cao, mặt khác sẽ kích thích việc thực hiện hóa, biến ý tưởng, công trình nghiên cứu từ ngăn kéo đến thực tiễn”, anh Sơn góp ý.

Theo PGS.TS. Đào Việt Hằng - Chủ nhiệm Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, các bạn thanh niên khởi nghiệp có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nhưng cũng cần phát huy sự sáng tạo hơn nữa để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao.

Các đại biểu tham dự tổ thảo luận.

Chị Hằng cho biết, thời gian qua, Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, với từng lĩnh vực chuyên ngành và liên ngành khác nhau để kết nối điểm mạnh của các nhà khoa học, cộng hưởng sự sáng tạo để cùng nhau phát triển nhiều dự án nghiên cứu có giá trị.

"Đây cũng là diễn đàn mở để các bạn thanh niên khởi nghiệp cùng tham gia trao đổi, học hỏi kiến thức chuyên môn, khoa học công nghệ từ các nhà khoa học trẻ", chị Hằng nói.

Tại tổ thảo luận, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên thời gian tới. Tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, các giải pháp hỗ trợ thanh niên vay vốn, hỗ trợ tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ như quỹ khởi nghiệp, các khoản vay ưu đãi, vốn mồi và tài trợ không hoàn lại…

Các đại biểu cũng góp ý về xây dựng các chương trình hỗ trợ đa dạng, phù hợp với nhu cầu thực tế của thanh niên ở từng địa phương. Từng bước thúc đẩy việc triển khai các chính sách khuyến khích khởi nghiệp số, khởi nghiệp xanh, và khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ cao.