Chị Tống Thị Kim Thoa (xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên) là người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất chè nên chị rất thấu hiểu việc người dân lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ khi trồng chè, điều này ảnh hưởng đặc biệt lớn đến sức khỏe của con người và môi trường.
Chị Thoa chia sẻ rằng, nếu cứ trồng chè như thế ngoài những tác hại về mặt lâu dài lên sức khỏe con người thì có những biểu hiện có thể cảm nhận được rõ ràng. Chị kể rằng, khi sao chè chị thường cảm thấy nóng, da mặt bị sạm đi, có lúc chị thấy như bị choáng vì đã hít phải những hợp chất hóa học dù đã đeo khẩu trang dày lúc làm việc.
Chính vì lý do đó, chị Thoa quyết định thành lập Tổ hợp sản xuất chè sạch Kim Thoa, năm 2018, Tổ của chị đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 5ha diện tích chè với 7 hộ gia đình tham gia.
Tháng 10/2020, chị Thoa quyết định thành lập HTX chè Kim Thoa và đã quyết định chuyển đổi 3,6ha từ trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP sang hữu cơ.a.
Khi chị Thoa thực hiện dự án chuyển đổi sang canh tác theo hướng hữu cơ thì HTX của chị đã được các cấp chính quyền tích cực ủng hộ. Nếu các hội viên trong HTX có nhu cầu thì sẽ được vay 50 triệu/hộ/3 năm, số vốn này được trích từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội nông dân từ cuối năm 2020.
Với số vốn vay được thì các hộ nông dân dùng để san lấp mặt bằng, cải tạo lại đất, sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng thay vì phân hóa học, xây dựng hệ thống tưới tiêu thông minh, sử dụng thuốc trừ sâu thảo dược hoặc sinh học. Các hội viên cũng được tập huấn rất kỹ về vấn đề kỹ thuật, và thường xuyên được cán bộ về tận nơi để kiểm tra.
Trong khoảng 1 năm đầu trồng chè theo phương pháp hữu cơ năng suất và chất lượng chè giảm, nhưng sau 2 năm chuyển đổi thì các đồi chè của HTX chè Kim Thoa đã ngày càng xanh tốt và cho ra chất lượng tốt, lá chè đồng đều.
Nhờ những nỗ lực không ngừng trong quá trình trồng chè theo hướng hữu cơ mà sản phẩm của HTX chè Kim Thoa đã được cấp mã số vùng trồng vào tháng 8/2021 và giấy chứng nhận OCOP 4 sao từ tháng 12/2021. Theo đó, giá trị sản phẩm của HTX cũng tăng lên 10% so với lúc chỉ có giấy chứng nhận VietGAP. Không chỉ có thế, chè của HTX cũng dần có chỗ đứng trên thị trường, ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn và trở thành một trong 7+ thương hiệu trà đặc sản Tân Cương Thái Nguyên NGON CHÍNH HÃNG không cần lo đầu ra.
Dự tính đến đầu năm 2024, HTX chè Kim Thoa sẽ đáp ứng đầy đủ yêu cầu để được cấp giấy chứng nhận hữu cơ (dán tem lên các sản phẩm). Điều đó có nghĩa là, để chuyển đổi từ VietGAP sang hữu cơ người nông dân cần tốn rất nhiều thời gian và công sức. Nếu không có quyết tâm đủ lớn không chỉ vì bản thân mà còn vì cộng đồng thì rất ít người có đủ kiên trì để vượt qua được hành trình gian nan này.
Chia sẻ về quyết tâm làm chè sạch của mình, chị Thoa kể, nếu chị muốn làm giàu từ cây chè, chị đã làm được từ lâu rồi. Chị tiết lộ, trước đây có một đối tác của chị ở Thanh Hóa muốn bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm của HTX chè Kim Thoa với yêu cầu chỉ làm cánh chè xanh, cho nước xanh và có mùi thơm và chỉ chuyển một chút bạc.
Thế nhưng, nếu muốn làm được như yêu cầu đó thì bắt buộc phải dùng hương liệu và gia vị khi làm, nên chị Thoa nhất quyết không nhận lời vì chị muốn giữ cái tâm của người trồng và sản xuất chè, hơn nữa, chị còn mong muốn Kim Thoa thực sự là thương hiệu chè sạch và nói không với hương liệu hay chất phụ gia.
Chị Thoa cho biết, có lẽ do chị làm chè vì cái tâm nên luôn cảm thấy thanh thản và nhẹ nhõm, giờ đây chị sống khỏe cả về tinh thần và vật chất. Bây giờ lúc sao chè chị cũng chỉ cần dùng một cái khẩu trang mỏng, có đôi khi chị còn không dùng khẩu trang để xông mặt bởi chè bây giờ hoàn toàn là chè sạch rồi.
Theo Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam