Cafe khởi nghiệp

Founder Mai Xuân Đạt: “Niềm vui của tôi là tạo ra các chủ doanh nghiệp hạnh phúc”

Thanh Đình

Với hầu hết, làm lãnh đạo đương nhiên phải bận. Anh Mai Xuân Đạt, Founder VNOKRs (J.O.H.N Capital) - Công ty chuyên về tư vấn, đào tạo OKRs và đầu tư khởi nghiệp, có một quan điểm khác. Đồng thời, anh có trong tay giải pháp để “lãnh đạo là phải rảnh”.

Khởi Nghiệp: Xin chào anh, cảm ơn anh vì đã nhận lời trò chuyện với Khởi nghiệp! Mới đây anh có đăng bức hình ngủ ngay dưới sàn trên facebook cá nhân. Một hình ảnh khá thú vị về Founder Mai Xuân Đạt. Hẳn đằng sau đó là một câu chuyện anh muốn kể?

Founder Mai Xuân Đạt: Vâng. Bài này vừa để tương tác với mọi người, vừa để chia sẻ với các CEO, đặc biệt ở những doanh nghiệp mới phát triển. Trước đây tôi cũng từng như họ, khi thành lập đã xác định mình là công ty nhỏ. Vì vậy phải dùng sức, phải làm nhiều hơn, tận dụng tối đa thời gian nhằm bù đắp các thiếu hụt. Mình không được phép nghỉ ngơi, phải làm cả cuối tuần và lễ Tết. Đó là cách để mình chiến đấu.

Trong khoảng 7 năm, là người đứng đầu, tôi lúc nào cũng bận nhất công ty, vùi mình vào công việc, vứt bỏ thời gian dành cho cá nhân và gia đình. Việc gì tôi cũng tham gia, trực tiếp xử lý mọi thứ để không bao giờ cho phép bản thân nhàn rỗi.

Cho đến sau này, khi thực sự hiểu về cách vận hành công ty, quan điểm của tôi bắt đầu thay đổi. Như tất cả đã thấy, tôi chuyển giao công việc kinh doanh cho những người khác và tập trung vào chia sẻ phương pháp quản trị, quản lý cho các chủ doanh nghiệp khác.

Anh Mai Xuân Đạt, Founder VNOKRs (J.O.H.N Capital)

Hiện rất nhiều CEO Suy nghĩ giống như tôi ngày xưa, tức là phải “bận”, theo nghĩa tiêu cực nhất của từ này. Họ biện minh cho sự bận rộn của mình bằng cách mượn câu nói của Sơn Tùng MTP, rằng "muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được thì phải chịu những cảm giác không ai chịu được".

Tôi đang cố giúp họ đỡ bận hơn. Hay nói cách khác, đưa ra giải pháp để họ phải “rảnh”, và “bận” một cách tích cực. Họ nên bận với việc của họ, thay vì bận cả việc của nhân viên.

Khởi Nghiệp: Điều này thực sự khá mới mẻ…

Founder Mai Xuân Đạt: Đúng. Nhưng các nhà lãnh đạo đầu tiên phải xác định mục tiêu của mình là gì. Họ thường quên mất một điều quan trọng. Ngoài tiền bạc, sức khỏe phải được đặt lên hàng đầu. Không chỉ sức khỏe thể chất mà còn cả sức khỏe tinh thần. Họ bắt buộc phải có một sức khỏe tinh thần tốt để nghĩ về tầm nhìn, về các quyết định lớn, mục tiêu lớn… và đưa doanh nghiệp phát triển đúng hướng. Nên nhớ, giá trị của một CEO bao gồm giá trị mang lại cho nhân viên, khách hàng, đối tác và cả gia đình của họ nữa.

Khởi Nghiệp: Để thay đổi cần một quá trình thay đổi tư duy?

Founder Mai Xuân Đạt: Tôi nghĩ rằng tư duy sai là có lý do. Ở Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn non trẻ và ngành quản lý hay CEO chỉ mới phát triển khoảng hai thập kỷ. Những người đứng đầu thường quản lý, quản trị theo kinh nghiệm tự thân và bản năng. Là lãnh đạo, thậm chí nhiều người không biết phải làm gì để phát huy tối đa vai trò người lãnh đạo.

Vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp mới thành lập chỉ đặt ra mục tiêu nhỏ và thiếu một kế hoạch dài hạn. Họ không biết rằng chỉ đang tập hợp một đám đông chứ không phải thiết lập nhân sự cho doanh nghiệp. Thiếu năng lực tổ chức, phương pháp quản trị mục tiêu cũng gây ra sự lãng phí, cả nhân sự cũng như tài chính.

 

Việc không xây dựng một tổ chức đúng nghĩa ngay từ đầu khiến họ gặp khó khăn, khi gặp điều kiện thuận lợi, doanh nghiệp phát triển vượt quá sự kỳ vọng, đồng thời quy mô cũng tăng lên nhanh chóng. Như người ta nói, “bạn không thể tạo nên một cao ốc từ móng nhà cấp bốn”. Họ hoàn toàn không có sự chuẩn bị cho tương lai, dẫn đến sự lãng phí khác: lãng phí cơ hội. Nên nhớ chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi thứ thay đổi rất nhanh. Thiếu nền móng về quản lý, quản trị khiến doanh nghiệp không thể thích ứng với các xu hướng, nắm bắt thời cơ hay đối phó với những khó khăn gặp phải.

Tôi là một minh chứng. Trong những năm tăng trưởng ở công ty khởi nghiệp, tôi kiếm được nhiều hơn 1 triệu USD. Nhưng vì thiếu kỹ năng, lạc trong mớ bòng bong của sự mở rộng quy mô, tôi không thể tối ưu những gì kiếm được, thậm chí mất rất nhiều, mà nếu quy ra tiền các loại chi phí tuyển dụng, tái tuyển dụng, cơ hội, nó gấp đôi số tiền kia.

Khởi Nghiệp: Vậy theo anh, làm thế nào để tạo ra các nhà lãnh đạo “rảnh”?

Founder Mai Xuân Đạt: Chúng ta cần tạo nên một tổ chức mà ở đó lãnh đạo luôn tin tưởng nhân viên, trao quyền cho họ, khiến doanh nghiệp trở thành tập hợp những người có năng lực và phát huy tính tự chủ. Chỉ thời gian ngắn chúng ta sẽ thấy công việc tiến triển, doanh số tăng trưởng. Đó chính là lợi ích mà OKRs mang lại, tức là quản trị bài bản, trong đó bao gồm quản trị mục tiêu và văn hóa doanh nghiệp.

Trở lại với câu chuyện của tôi. Tôi từng nghĩ công ty đã đến điểm tới hạn, khó có thể tăng trưởng được nữa nếu không gia tăng thêm nhân sự. Té ra không phải. Từ đám đông hỗn loạn chuyển sang quản trị mục tiêu bài bản, trong vòng 3 năm, lợi nhuận công ty tôi tăng trưởng gấp 4 lần. Và tôi trở thành một lãnh đạo “rảnh”, có thời gian cho bản thân và gia đình, đồng thời có thời gian hỗ trợ các chủ doanh nghiệp khác để họ cũng “rảnh” như tôi.

Bộ sách OKRs - Hiểu đúng, làm đúng

Khởi Nghiệp: Cho đến nay, anh đã đồng hành, hỗ trợ bao nhiêu doanh nghiệp?

Founder Mai Xuân Đạt: Khó có thể thống kê được hết những doanh nghiệp mà tôi chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm thông quá các buổi talk, sự kiện hoặc khóa học. Còn về các doanh nghiệp mà tôi huấn luyện, đồng hành cùng họ, trong 2 năm qua có khoảng 40 doanh nghiệp.

Tin tốt là không một doanh nghiệp nào phải rời bỏ thị trường, dù trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn hiện tại. Không những thế, số doanh nghiệp tăng trưởng là không ít. Đây có thể nói là thành công của tôi cũng như các doanh nghiệp đã bắt tay vào xử lý nền móng, tối ưu hóa chi phí và phát huy hết tiềm lực nội tại.

 

Ở đây cần nói rõ, OKRs hay cá nhân tôi không giúp các doanh nghiệp giàu lên. Tôi chỉ hỗ trợ họ tạo dựng nền tảng vững chắc để phát triển. Bên cạnh đó, tạo ra các nhà lãnh đạo, CEO “rảnh”. Khi rảnh, họ có thời gian để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị phần hoặc xây dựng chiến lược kinh doanh.

Khởi Nghiệp: Đây cũng là phương châm của J.O.H.N Capital và J.O.H.N Academy, đồng thời là niềm vui của cá nhân anh?

Founder Mai Xuân Đạt: Mình phải làm điều đem lại niềm vui cho mình. Tôi rất thích câu “Muốn hạnh phúc 1 giờ hãy đọc sách, muốn hạnh phúc 1 ngày hãy đi du lịch, còn muốn hạnh phúc 1 đời hãy làm việc mà mình thích”.

Khi mở ra một doanh nghiệp, tôi tin nhiều người cũng giống mình, đó là muốn làm chủ cuộc sống của mình, tự do về thời gian và tài chính. Nhưng sau đó tôi nhận ra mình đã sai. Thế nào mà tôi còn khổ hơn trước kia, lúc còn làm nhân viên, và mất luôn cả tự do. Nó làm tôi phát chán.

Tôi không muốn các bạn trẻ, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp rơi vào tình cảnh tương tự, nếm trải đỗi đau tôi từng trải qua. Vì vậy tôi muốn chia sẻ những gì tôi biết về quản trị mục tiêu và văn hóa doanh nghiệp cho các chủ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững còn họ thành nhà lãnh đạo vui vẻ, hạnh phúc.

Các cuộc gọi từ họ, thông báo về những đổi thay, rằng doanh nghiệp ổn thỏa đi lên và bản thân họ có sự cải thiện tâm trạng cũng như chất lượng cuộc sống, đó là niềm vui lớn đối với tôi, mang lại cho tôi năng lượng và động lực để tiếp tục. J.O.H.N Capital và J.O.H.N Academy đang đi theo hướng đó, tạo ra niềm vui cho tôi và sự hạnh phúc của mọi người.

Khởi Nghiệp: Rất cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!