Kiến thức

Dự án 'Cũ Đổi Xanh', khởi đầu mới cho một hành trình bền vững

Hoài Nguyễn

Dự án Cũ Đổi Xanh - Change Life được thành lập với mục đích giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ - đặc biệt là sinh viên tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn lân cận về các vấn đề môi trường nói chung kết hợp với thực tiễn. Dự án Cũ Đổi Xanh - Change Life mang trong mình thông điệp mạnh mẽ về việc kết nối nhận thức và hành động vì một môi trường bền vững.

Dự án Cũ Đổi Xanh - Hành trình ươm mầm sống xanh

Dự án đặt mục tiêu giảm thiểu lượng rác thải và phát thải carbon bằng cách tận dụng tài nguyên cũ để sáng tạo ra các sản phẩm mới có giá trị sử dụng, như từ bã cà phê, dầu ăn cũ hay vải thừa. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy ý thức về việc biến những thứ tưởng chừng bỏ đi thành những sản phẩm hữu ích, mang lại giá trị mới cho cuộc sống. Tên gọi Cũ Đổi Xanh - Change Life chính là lời kêu gọi hành động, khuyến khích một thói quen tiêu dùng có trách nhiệm: tái tạo cái cũ để đổi lấy cái mới, hướng tới một lối sống xanh hơn. Qua đó, dự án mong muốn tạo ra sự thay đổi tích cực, không chỉ trong ý thức mà còn trong hành vi, góp phần xây dựng một cộng đồng phát triển bền vững.

Quốc Huy cùng chia sẻ về dự án tới các bạn sinh viên trong buổi tọa đàm tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên.

Quốc Huy - Người sáng lập của dự án chia sẻ sau buổi tọa đàm về giá trị của dự án mang lại: “Thông qua những hoạt động của Cũ Đổi Xanh - Change Life mình hi vọng rằng các bạn thanh niên sẽ có thêm những nhận thức về tình trạng môi trường hiện nay và những tác động của tình trạng ấy đến với con người. Qua đó, các bạn thanh niên sẽ thay đổi hành vi và hành động để bảo vệ môi trường cho chính các bạn và thế hệ tương lai!”.

Trong 8 tháng hoạt động, dự án Cũ Đổi Xanh - Change Life đã đạt được những thành tích ấn tượng, tổ chức 22 sự kiện tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, thu hút hơn 6.000 thanh niên từ gần 20 trường đại học trên cả nước. Dự án gây quỹ hơn 100 triệu đồng và thu gom, phân loại hơn 200kg rác thải nhựa, 100kg dầu ăn cũ và 30kg vải thừa, đồng thời tổ chức các workshop và chiến dịch như “Thu cũ - Đổi xanh” nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Những nỗ lực này đã giúp dự án giành được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm: Top 8 Đại sứ Gen G 2023 (Tập đoàn Panasonic), Top 10 cuộc thi khởi nghiệp Univ.Star 2024 (SIHUB & Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM), Top 7 Sáng kiến vì môi trường 2024 (Quỹ Vì Tầm Vóc Việt & Liên minh không rác Việt Nam), Top 5 IDEA EXPO 2024 (Rethink Plastic Vietnam), và Top 20 Giải pháp xanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Những thành tích này khẳng định vai trò tiên phong của dự án trong việc thúc đẩy lối sống xanh và phát triển bền vững.

Dự án xuất sắc đạt Top 5 IDEA EXPO 2024 - Rethink Plastic Vietnam.

Các hoạt động của dự án nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn sinh viên, cụ thể là có khoảng 6000 sinh viên và thanh niên tham gia các sự kiện dự án tổ chức, hơn 40,000 người tiếp qua một kênh truyền thông. Những chương trình được tổ chức chuyên nghiệp, có sự đầu tư về nội dung, diễn giả đã tạo dựng lên hình ảnh dự án Cũ Đổi Xanh có sức hút và được đón nhận đông đảo. Các chương trình mà dự án đã từng thực hiện nhận được nhiều lời khen ngợi của các quý chuyên gia: Tọa đàm Dấu chân Carbon, Cuộc thi “Sức khỏe và Môi trường” năm 2024, Chương trình tập huấn thanh niên tiên phong xanh Chuyển dịch năng lượng 2024,...

Hành trình nâng cao nhận thức từ những buổi tọa đàm

Một trong những phiên họp thành công của dự án phải kể đến chương trình tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn - Con đường biến rác thải nhựa trở thành nguồn kho báu mới” đã diễn ra thành công vào ngày 9/11/2024 vừa qua, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, thu hút hơn 150 sinh viên từ 17 trường đại học trên địa bàn TP.HCM. Đây là một sự kiện thuộc khuôn khổ Dự án Cũ Đổi Xanh - Change Life, với chủ đề “Giảm ô nhiễm nhựa”, nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về tiêu dùng bền vững và lan tỏa lối sống xanh.

Buổi tọa đàm không chỉ mang đến những kiến thức giá trị về môi trường mà còn là cơ hội để sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên kết nối với các bạn đồng trang lứa từ nhiều trường khác, cùng thảo luận về trách nhiệm bảo vệ hành tinh. Thanh Hải, quản lý dự án Cũ Đổi Xanh - Change Life, đã chia sẻ những câu chuyện thú vị và tâm huyết về hành trình dự án, khơi nguồn cảm hứng để các bạn trẻ thực hiện những hành động thiết thực hướng tới một tương lai xanh bền vững.

Diễn giả buổi Tọa đàm Kinh tế tuần hoàn - Con đường biến rác thải nhựa trở thành nguồn kho báu mới.

Tại chương trình, Phiên 1 với chủ đề "Con đường tuần hoàn hướng đến phát triển kinh tế bền vững", TS. Nguyễn Kiều Lan Phương (trường Đại học Nguyễn Tất Thành) đã giới thiệu mô hình kinh tế tuần hoàn, nhấn mạnh tầm quan trọng của sản xuất và tiêu dùng bền vững. Với hơn 40 bài báo khoa học và danh hiệu từ GIZ năm 2023, cô mang đến góc nhìn mới mẻ và khoa học. Phiên 2, ThS. Dương Công Thịnh (trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) đã phân tích thực trạng rác thải nhựa toàn cầu, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án như hệ thống lọc nước nhiễm mặn và vật liệu hấp phụ zeolite, khuyến khích thay đổi thói quen tiêu dùng. Trong Phiên 3, anh Triệu Thanh Thinh (Tập đoàn Thế Giới Di Động) trình bày các dự án ESG thành công, truyền cảm hứng về cách biến rác thải nhựa thành nguồn tài nguyên quý giá, thúc đẩy phát triển bền vững.

Thanh Hải - Quản lý dự án Cũ đổi xanh - Change life đã có những chia sẻ vô cùng ý nghĩa khi tổ chức buổi tọa đàm: “Vì Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM là nơi mình học tập và phát triển - dấu ấn cho hành trình trưởng thành, cũng là một cộng đồng mà mình thuộc về. Đó là động lực thúc đẩy mình mang các hoạt động về trường nhằm hỗ trợ các bạn thanh niên có cơ hội tiếp xúc và phát triển chung cho các bạn sinh viên.” Tin rằng, với những giá trị ý nghĩa của dự án sẽ được truyền tải rộng rãi trong cộng đồng sinh viên và có thể lan tỏa mô hình dự án tới nhiều bạn trẻ.