Thương hiệu - Doanh nghiệp

Điểm danh 4 làng nghề sơn mài truyền thống còn tồn tại ở Việt Nam

Ha Trang

Nghệ thuật làm sơn mài ở Việt Nam có lịch sử lâu đời. Cho đến hiện nay không còn quá nhiều làng nghề sơn mài truyền thống. Sơn mài được ứng dụng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật như làm tranh hoặc hàng thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí, đồ dùng hằng ngày. Cùng khoinghiep.net.vn tìm hiểu về 4 làng nghề tranh sơn mài truyền thống tại Việt Nam nhé!

Nghệ thuật sơn mài Việt Nam

Nghệ thuật sơn mài có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ 17. Nhưng mãi đến khoảng thế kỷ 20 thì nghệ thuật sơn mài Việt Nam mới đạt đến đỉnh cao. Sơn mài Việt Nam gây ấn tượng mạnh mẽ từ thập kỷ 1930 khi cao đẳng mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ Thuật Việt Nam) khi đưa sơn mài vào chương trình nghiên cứu và giảng dạy. Chính thời kỳ này đã tạo nên phong cách sơn mài Việt Nam với những nét riêng biệt và độc đáo.

Tác phẩm "Dọc mùng" của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được trưng bày tại bảo tàng mỹ thuật Việt Nam

Tranh sơn mài Việt Nam mang đến những đột phá về kỹ thuật và mỹ thuật giữ phong cách nghệ thuật phương Tây với nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Nhiều những tác phẩm tranh sơn mài Việt Nam của nhiều họa sĩ trong thời kỳ này vang danh thế giới. “Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” là tứ đại danh họa sơn mài của Việt Nam: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn.

4 làng nghề sơn mài truyền thống còn tồn tại ở Việt Nam

Sơn Mài là nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam. Các sản phẩm sơn mài của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao về nghệ thuật và giá trị. Ngoài dòng tranh sơn mài của các họa sĩ chế tác riêng biệt thì Việt Nam có 4 làng nghề sơn mài truyền thống vẫn còn đang được lưu truyền nghề và tiếp nối từ thời ông cha cho đến ngày hôm nay.

1. Làng nghề sơn mài Hạ Thái

  • Địa chỉ: Xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Làng nghề sơn mài Hạ Thái có nghề làm sơn mài từ thế kỷ 17. Làng có nhiều nghệ nhân với đôi tay khéo léo. Làng có nghề sơn đồ nét và chuyên gia công đồ cho vua quan lại, quý tộc bấy giờ nên được dân gian lưu truyền nghề “dâng vua”.

Làng nghề sơn mài Hạ Thái

Vào những năm 1930 trong quá trình giao lưu cải biến văn hóa Đông Tây đã giúp cho nhiều họa sĩ Việt Nam phát hiện nhiều chất liệu màu mới như vỏ trứng, ốc, cật tre. Đặc biệt là đưa thêm kỹ thuật mài để tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo. Các nghệ nhân của làng nghề sơn Hạ Thái cũng được tiếp cận với kỹ thuật sơn mài mới này áp dụng và việc chế tác nên các tác phẩm, sản phẩm ứng dụng. Sơn mài Hạ Thái hiện nay không chỉ được bày bán trong nước mà còn xuất khẩu đi khắp các nước trên toàn thế giới và đáp ứng nhiều thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Úc, Trung Đông…

2. Làng nghề sơn mài Bối Khê 

  • Địa chỉ: xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội

Các nghệ nhân làng Bối Khê đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, từ các mặt hàng truyền thống như sơn son thiếp vàng, hoành phi câu đối, tượng Phật với màu sắc lộng lẫy và độ bền cao theo thời gian để dùng trong các công trình tín ngưỡng, đến các sản phẩm hiện đại đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, và tranh khảm.

Làng nghề sơn mài Bối Khê 

So với các làng nghề sơn truyền thống khác ở đồng bằng Bắc Bộ, như làng nghề Cát Đằng (Nam Định, làm nghề sơn quang dầu và sơn mài chắp), Hạ Thái (Hà Nội, làm sơn mài), làng nghề sơn mài Bối Khê mang nét độc đáo riêng với mặt hàng sơn mài khảm, qua một quy trình chế tác gồm nhiều công đoạn phức tạp. Trung bình, một sản phẩm sơn mài khảm từ cốt mộc đến khi thành phẩm phải trải qua khoảng 12 nước sơn và mất khoảng 1 tháng để hoàn thiện một lô sản phẩm.

Sản phẩm sơn mài Bối Khê hiện nay được chia làm 3 loại chính:

  1. Sơn mài khảm trứng
  2. Sơn mài khảm trai
  3. Sơn mài bạc

Các sản phẩm của làng nghề sơn mài Bối Khê cũng rất được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước.

3. Làng nghề sơn Mài Cát Đằng 

  • Địa chỉ: xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam Định

Nghề sơn mài ở Cát Đằng, Ý Yên Nam Định có lịch sử trên 600 năm. Nghề sơn mài ở đây duy trì nghề truyền thống là sản xuất nghề sơn mài trên gỗ chủ yếu là khảm gỗ, ngai, ỷ, kiệu, tượng tranh… phục vụ sinh hoạt tôn giáo.

Làng nghề sơn Mài Cát Đằng  (nguồn ảnh: Báo Nam Định)

Nghề sơn mài ở làng Cát Đằng được các nghệ nhân thực hiện trên nhiều chất lượng khác nhau như các loại gỗ (gỗ mỡ, vàng tâm, de, mít), gỗ dán, giấy nện….Nghề sơn mài ở đây cũng chia thành hai nhánh riêng biệt là sơn mài truyền thống và sơn dầu. Hiện nay nghề sơn mài truyền thống ở Cát đằng song song phát triển ba chủng loại là sơn mài truyền thống với các sản phẩm đầu ra là tranh, ảnh đồ lưu niệm, sơn dầu (các loại đồ thờ) và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa, chắp,

4. Tương Bình Hiệp cái nôi nghề sơn mài Bình Dương

  • Địa chỉ: Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Tương Bình Hiệp là làng nghề sơn mài duy nhất miền Nam. Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (Thủ Dầu Một, Bình Dương) được kế thừa và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Vào khoảng cuối thế kỷ 17 nghề sơn mài do người Bắc và người miền Trung mang đến vùng đất này. Chính những nỗi nhớ quê hương của người dân xa xứ kết hợp với giá trị tay nghê sẵn có mà những người thợ vẽ sơn mài tạo nên những sản phẩm có phong cách đặc trưng riêng biệt.

Nghệ nhân vẽ sơn mài của làng nghề Tương Bình Hiệp

Các sản phẩm sơn mài ở Tương Bình Hiệp đa dạng được ứng dụng trên nhiều chất liệu khác nhau như bàn ghế, tủ, bình, ván ép tranh, hộp, gốm, tượng. Sơn mài ở đây cũng đa dạng với nhiều loại đa dạng từ sơn lộng, sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, sơn mài cẩn ốc, cần trứng, sơn khắc…Sơn mài của Tương Bình Hiệp gây ấn tượng bởi sự sắc sảo, thanh thoát qua đường vẽ, đường mài.

Nghề sơn mài Việt Nam cùng với sự tồn tại và phát triển của các làng nghề sơn mài ngày nay giúp cho nền nghệ thuật của Việt Nam có được dấu ấn đối với bạn bè quốc tế. Ủng hộ các ngành nghề truyền thống bằng việc sưu tầm, mua hoặc giới thiệu đến với bạn bè quốc tế hơn nữa nhé!