Thu nhập cao từ mô hình trồng lan cắt cành

Hoài Nguyễn
Những năm gần đây, nhiều người trong tỉnh đã đầu tư trồng hoa lan cắt cành để phát triển kinh tế gia đình. Trong số đó có chị Nguyễn Hồng Diệu, ở phường Chánh Phú Hòa, TP.Bến Cát, đầu tư mô hình trồng hoa lan mokara cắt cành và đã thành công với mô hình này.

Cơ duyên để chị Nguyễn Hồng Diệu đến với mô hình trồng lan mokara cắt cành bắt đầu từ khi chị tham gia hội nhóm trồng hoa lan. Sẵn có niềm đam mê làm nông nghiệp, chị Diệu đã trồng thử nghiệm lan mokara trên diện tích 100m2 đất, kết quả cho thu nhập khá. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, chị được tiếp cận nguồn vốn chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chị đầu tư mở rộng diện tích trồng lan lên 10.000m2.

Thời gian đầu trồng lan, chị gặp không ít khó khăn về thị trường tiêu thụ. Sau này, nhiều đại lý hoa, công ty chuyên cung cấp hoa biết vườn lan của chị, đến đặt hàng nên thị trường tiêu thụ khá ổn định. Chị thường xuyên tham quan, tìm hiểu các vườn lan trong và ngoài nước, tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ thuật trồng hoa lan. Nhờ đó, chị chọn được giống lan tốt, biết được các giai đoạn phát triển của lan nên việc chăm sóc cây lan có nhiều thuận lợi, lan phát triển tốt. Các giống lan chị Diệu trồng nhiều là lan cắt cành mokara, dendro, cattleya… vì những giống lan này có sức chống chịu tốt, phù hợp với khí hậu ở địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài chủ lực là lan mokara cắt cành, chị còn sưu tầm và trồng thêm nhiều giống lan rừng có giá trị.

2e10a5bd52f2bbace2e3-1733804203.jpg

Mô hình trồng lan cắt cành của chị Nguyễn Hồng Diệu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Diệu chia sẻ, lan mokara trồng hơn 1 năm là cho thu hoạch hoa, thời gian thu hoạch từ 7-8 năm. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chăm sóc cẩn thận theo đúng quy trình nên vườn lan mokara của chị luôn cho hoa đẹp và nở quanh năm. Vườn lan của chị được đầu tư bài bản hệ thống giá đỡ và tưới phun sương, khâu chăm sóc lan ít tốn công sức vì đã được tưới phun tự động. Ngoài sử dụng lưới che, hệ thống tưới tự động, chị còn rải xơ dừa dưới gốc cây để giữ ẩm, sử dụng phân sinh học hữu cơ, hạn chế thuốc xịt cỏ để giảm thiểu tác động tới môi trường. Xơ dừa có thời gian phân hủy dài hơn vỏ trấu và vỏ đậu; sử dụng xơ dừa làm chất giữ ẩm cho cây sẽ giúp giảm chi phí nhân công chăm sóc, chi phí vật tư nông nghiệp.

Nhờ sự chăm sóc cần mẫn, sự hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật của Hội Nông dân địa phương, cùng với kinh nghiệm tích lũy trong quá trình trồng lan, sau khi trừ các chi phí vườn lan mang lại cho chị Diệu lãi trên 700 triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, ngoài việc trồng lan, chị Diệu còn kết hợp mở dịch vụ hoa tươi để cung cấp hoa cho các sự kiện liên hoan, cưới hỏi, sinh nhật trong và ngoài địa bàn TP.Bến Cát. Nguyên liệu hoa cắm chị sử dụng từ nguồn hoa trồng của gia đình và thu mua từ các hộ nông dân trên địa bàn. Chị Diệu còn giải quyết việc làm thời vụ cho khoảng 10 lao động với mức lương từ 5-6 triệu đồng người/ tháng. Chị cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho các hộ dân trồng lan trên địa bàn.

Để thuận tiện hơn trong sản xuất hoa lan, chị Diệu đã tham gia Hợp tác xã Hoa lan Hồng Đức. Chị Diệu được công nhận là nghệ nhân sinh vật cảnh từ nhiều năm nay và có nhiều thành tích cao trong các hội thi về bộ môn hoa phong lan.

Để hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc vườn cây. Thông qua tập huấn giúp nông dân kết nối với các đơn vị sản xuất phân bón, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương