Vùng chè Thái Nguyên nâng chất, xây dựng thương hiệu

Tháng 6 vừa qua tại vùng chè La Bằng nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra khóa tập huấn kĩ thuật, kỳ vọng đưa vùng chè này vươn mình nhờ công nghệ. Chương trình do Trung tâm Bồi dưỡng và Đào tạo truyền thông số tổ chức, được đồng hành bởi Công ty TNHH CHAGEE Việt Nam.

Cầm tay chỉ việc

Nội dung tập huấn gồm 5 chuyên đề chính: chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và chế biến chè từ các chuyên gia của CHAGEE; hướng dẫn đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp; phân tích tiềm năng phát triển vùng chè Thái Nguyên; giới thiệu cách ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng TikTok; và thực hành kỹ năng xây dựng nội dung, bán hàng trực tuyến cho sản phẩm chè.

5-1751296150.jpg
Tiến sĩ Lương Hùng Tiến, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, đang chia sẻ với học viên về ỹ thuật trồng chè

Khóa tập huấn có sự tham gia của gần 200 người gồm: người dân, thanh niên khởi nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp gắn bó với cây chè địa phương giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh, trong bối cảnh thị trường thay đổi từng ngày.

Trong phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, ông Lương Công Luận - Phó CT UBND xã La Bằng– nhấn mạnh: “Chương trình tập huấn hôm nay đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa ngành chè của tỉnh. Đối với các hợp tác xã và người nông dân, đây không chỉ là dịp tiếp cận kiến thức mới mà còn là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh."

Chuyển đổi số giúp tối ưu hóa sản xuất, từ quản lý canh tác, thu hoạch đến truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và minh bạch, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng thương hiệu chè La Bằng không chỉ là tạo logo hay nhãn mác, mà là câu chuyện về những con người làm ra sản phẩm cùng bề dày văn hóa và những giá trị bền vững.

lop-tap-huan-ong-luan-phat-bieu-1751296150.jpg
Ông Lương Công Luận - Phó CT UBND xã La Bằng phát biểu tại buổi tập huấn

“Sự đồng hành của thương hiệu trà sữa CHAGEE đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng chuỗi giá trị chè bền vững cho Thái Nguyên, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo nền tảng vững chắc để bà con và các hợp tác xã tự tin bước vào kỷ nguyên thương mại điện tử.”- Ông Sơn Hà nhấn mạnh.

Điều đặc biệt của khóa học là học viên không chỉ học lý thuyết mà còn được trực tiếp tham gia thực hành tại chỗ – như quay video sản phẩm, tạo gian hàng số, chụp ảnh quảng bá, xây dựng nội dung “kể chuyện trà Thái”... một cách đơn giản, phù hợp với nông dân, vốn không có thế mạnh về công nghệ.

1-1751296114.jpg
Bà con nông dân chăm chú lắng nghe hướng dẫn từ các chuyên gia trong buổi tập huấn

Bắt đầu từ người trồng

Để có được ly chè (trà) chất lượng đến tay người tiêu dùng, hành trình phải bắt đầu người nông dân.

Các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm trồng chè từ Trung Quốc, nơi có văn hóa trà lâu đời về những mô hình canh tác hiệu quả tại Trung Quốc: kỹ thuật trồng, kiểm soát chất lượng, bảo vệ môi trường cùng bài học từ các vùng trồng nổi tiếng như: An Khê, Phổ Nhĩ.

Khóa tập huấn cũng chú trọng công tác an toàn lao động trong sản xuất chè, biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động và bảo vệ sức khỏe; những lưu ý về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, giúp người dân nhận diện các rủi ro thường gặp phòng ngừa, tạo ra chuỗi cung ứng chè không chỉ bảo đảm về chất lượng mà có trách nhiệm với cộng đồng.

Từ mô hình thí điểm tiên phong của HTX chè La Bằng hợp tác với CHAGEE, hiện nay, nhiều đơn vị trong ngành đang muốn học hỏi để làm theo. Điều này cho thấy khả năng truyền cảm hứng, lan tỏa và dẫn dắt tạo nên một cụm liên kết sản xuất chè bền vững, nơi HTX chè La Bằng đóng vai trò trung tâm chuyển giao công nghệ và lan tỏa tư duy canh tác hiện đại.

Việc HTX chè La Bằng chủ động áp dụng VietGAP từ năm 2012 và mạnh dạn chuyển hướng sang canh tác hữu cơ cho thấy một tầm nhìn chiến lược và tinh thần cầu thị, không thụ động mà khát khao đổi mới. Lãnh đạo HTX không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận kỹ thuật mà còn chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao giá trị, chuyển dịch từ sản xuất theo số lượng sang chất lượng, từ lợi ích ngắn hạn sang phát triển bền vững dài hạn.

cg4-1751296312.png
Một vùng nguyên liệu chè ở La Bằng được hỗ trợ kỹ thuật bởi Chagee

Qua khóa học, nhiều chủ thể sản xuất chè ở địa phương đã thay đổi cách nhìn nhận về cách trồng, chế biến, bán hàng và cách sử dụng những công việc hằng ngày trở thành “content” (nội dung) quảng bá trên các sàn TMĐT, đặc biệt là TikTok.

Bà Nguyễn Thị Dự, chủ cơ sở chè Dư Sơn, cho biết nay học thêm cách đưa chè lên mạng, mở rộng thị trường ra cả nước. Là người trẻ khởi nghiệp, anh Nguyễn Văn Hòa (27 tuổi, trú tại Đại Từ, Thái Nguyên) ấn tượng cách chuyên gia hướng dẫn quay clip ngắn sao cho giữ nét mộc mạc, cách gắn link bán hàng... Tôi học xong là về làm được ngay” - anh Hòa hào hứng.

Dù đã 58 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Lan (trú tại Đại Từ) tham gia khóa học rất tích cực và tìm ra hướng đi mới cho hoạt động kinh doanh bằng cách mở rộng kênh online. Các chuyên gia đã chỉ ra những lợi thế của bản thân mà chính bà không nhận ra chính là kinh nghiệm với nghề, người thực việc thực tại địa phương – là điều rất hấp dẫn với người mua hàng online ở xa.

Link nội dung: https://khoinghiep.net.vn/vung-che-thai-nguyen-nang-chat-xay-dung-thuong-hieu-a2088.html