Đánh thức mầm xanh trên vùng đất khó

Không chỉ là lá cờ đầu trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu rau quả theo chuỗi giá trị khép kín quy mô lớn nhất cả nước, Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) còn là đơn vị tiên phong, biến nhiều vùng đất khó thành những vựa rau, quả xanh tốt, chất lượng cao, là “bệ đỡ” trong mối liên kết bền chặt với nông dân ở nhiều địa phương trong cả nước.

“Cánh chim” không mỏi

Câu ca: “Ai qua Quán Cháo, Đồng Giao/Má hồng để lại, xanh xao theo về” có lẽ một thời ám ảnh của rất nhiều người; nó cũng thể hiện sự khó khăn của vùng nguyên liệu nơi Doveco Ninh Bình đang đứng chân cách đây 70 năm về trước.

Thế nhưng, bằng sự chủ động, linh hoạt, dám nghĩ dám làm, từ Nông trường quốc doanh Đồng Giao ban đầu, người Doveco đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang dứa vào thập niên 1970, kế đó là triển khai xây dựng nhà máy đông lạnh IQF đầu tiên vào năm 1978. Hàng nghìn hecta đất đỏ màu mỡ ngày càng được bồi đắp bởi màu xanh của rau, quả và tiếng nói, tiếng cười của lớp lớp thế hệ công nhân viên.

a1-ong-dinh-cao-khue-8843-8229-1738888355.jpg

Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Doveco.

Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Doveco, vị “thuyền trưởng” chèo lái Doveco gặt hái nhiều thành công thời gian qua

Từ thành công ban đầu đó, đã tạo bệ phóng, để Doveco tiếp tục tiến lên. Đến năm 2019, Doveco khánh thành trung tâm chế biến tại Gia Lai, với công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm, là tổ hợp nhà máy chế biến nông sản hiện đại lớn nhất khu vực Tây Nguyên.

Đặc biệt, với quy mô chế biến 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai sẽ hình thành vùng liên kết sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị bền vững quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với diện tích liên kết sản xuất đạt hàng chục nghìn ha tại Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Đến nay, nhiều nhà máy chế biến khác đã nối bước Doveco xuất hiện ở Gia Lai, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, nâng cao cuộc sống cho người dân địa phương.

Từ thành công của nhà máy tại Ninh Bình và Gia Lai, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã khai trương nhà máy thứ ba tại Sơn La vào tháng 5/2023.

Dự án Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La nằm tại vị trí trung tâm của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, có diện tích gần 9ha, với quy mô dự kiến 52.000 tấn sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, đây là trung tâm chế biến rau quả khép kín bao gồm từ việc liên kết sản xuất, thu mua nguyên liệu; chế biến tinh, chế biến sâu và hệ thống kinh doanh bán hàng trong nước và xuất khẩu.

a2-1319-2501-1738888429.jpg

Niềm hạnh phúc của nông dân trên cánh đồi dứa mênh mông của Doveco ở Ninh Bình.

Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Doveco cho biết, vùng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng có tiềm năng khổng lồ về rau, quả. Nhờ chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, chất lượng nông sản nơi đây thực sự khác biệt so với các vùng khác.

Theo ông Khuê, gần chục năm, nhân một lần được thưởng thức xoài và nhãn Sơn La, thấy hương vị tươi ngon, đậm đà, ông ấp ủ giấc mơ lấp khoảng trắng về chế biến nông sản tại khu vực này.

“Tôi đã thử đưa nông sản Sơn La cho bạn bè quốc tế thưởng thức, hầu hết đều đánh giá rất cao”, người đứng đầu Doveco nhớ lại. Giấc mơ của vị chủ tịch cứ thế lớn dần theo năm tháng, để rồi vỡ òa khi UBND tỉnh Sơn La chấp thuận và quy hoạch vùng triển khai dự án tại huyện Mai Sơn – thủ phủ của các loại cây ăn quả và thuận tiện giao thông đến các vùng nguyên liệu như dứa, chanh leo, ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương”, ông Khuê chia sẻ.

Từ thành công của các nhà máy tại Ninh Bình, Gia Lai và Sơn La, không hề quá khi nói rằng sự có mặt của Doveco giúp thay đổi đáng kể bộ mặt của vùng đất nơi họ đặt chân. Không chỉ tạo công ăn việc làm, Doveco còn góp phần xây dựng, hình thành nền kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy các ngành dịch vụ liên quan, đồng thời thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân theo hướng hàng hóa, quy mô lớn.

Xây chuỗi liên kết vững bền

Liên kết sản xuất với nông dân chưa bao giờ là câu chuyện dễ, khi những chuyện “bẻ kèo” cả từ hai phía vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Dẫu vậy, ở Doveco sự hợp tác liên kết đã đi vào chiều sâu, nhuần nhuyễn, vừa có hợp đồng mang tính pháp lý, vừa có nền tảng tình cảm và tin cậy.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó TGĐ Doveco cho rằng, thành công này của Doveco bắt nguồn từ chữ tín của công ty, và chữ tín này lại được xây dựng từ chính quá trình lao động, cống hiến gương mẫu của mỗi đảng viên từ lãnh đạo đến cán bộ, công nhân.

Ông lấy thí dụ, khi công ty triển khai với bà con nông dân ở Gia Lai, ban đầu họ cũng chưa tuân thủ quy trình sản xuất, vẫn sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, nên khi kiểm tra chất lượng phía Nhật Bản họ không mua. Trong trường hợp đó, công ty vẫn trả tiền hàng cho người dân mặc dù hàng đó không xuất được. Sau đó, đến lần 2, lần 3 được công ty tập huấn, hướng dẫn thì họ đã làm chuẩn và cùng công ty gây dựng được vùng nguyên liệu tốt.

a6-6749-144-1738888351.jpg'

Những điểm Doveco đặt nhà máy không chỉ tạo công ăn việc làm, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Mặt khác, trong những lúc cây trồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thời tiết thì Doveco đều đứng ra hỗ trợ tiền giống, tiền làm đất, tiền thuốc bảo vệ thực vật… Trong hợp đồng bao tiêu, công ty sẽ thu mua 80% sản lượng, còn 20% nông dân có thể tùy ý bán cho công ty hoặc bán ra thị trường nhằm bảo đảm lợi ích cho bà con nếu giá thị trường cao hơn giá công ty mua tại thời điểm thu hoạch. Điều đáng vui mừng là trong suốt nhiều năm qua, kể cả có những thời điểm giá thị trường cao hơn thì nông dân vẫn bảo đảm giao đủ sản lượng cho công ty.

Doveco hiện hiện sở hữu 3 trung tâm chế biến rau quả hiện đại bậc nhất hiện nay, với tổng công suất 136 nghìn tấn sản phẩm/năm, với công nghệ cấp đông IQF xuất xứ từ Nhật Bản; công nghệ cô đặc và xay nhuyễn nhập khẩu châu Âu; công nghệ phát hiện dị vật; công nghệ đóng gói sản phẩm đông lạnh; công nghệ cắt gọt dứa tự động…

Doveco có các dòng sản phẩm tươi và chế biến từ dứa, chanh leo, vải, chuối, xoài, thanh long, sầu riêng, ngô ngọt, đậu tương… Sản phẩm của Doveco xuất khẩu đến hơn 40 thị trường trên toàn cầu, trong đó có nhiều thị trường lớn trên thế giới như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của thị trường quốc tế, Doveco đang mở rộng vùng nguyên liệu tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và đặc biệt đang xây dựng vùng trồng dứa quy mô 2.000ha tại huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk. Đến nay, Doveco sở hữu hơn 5.500 ha đất canh tác và hơn 13.000 ha đất liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Hiện, Doveco ký hợp đồng lao động trực tiếp với người lao động và hợp tác với nguồn lao động tại các địa phương. Đến nay, tổng số lao động của Doveco quản lý và hợp tác trên cả 3 miền Bắc- Trung - Nam là hơn 31.300 người. Trong đó tỷ lệ lao động là đồng bào dân tộc chiếm 30% tổng lao động do công ty trực tiếp quản lý và trả lương. Mức lương bình quân của người lao động là 8-10 triệu đồng/người/ tháng.

Link nội dung: https://khoinghiep.net.vn/danh-thuc-mam-xanh-tren-vung-dat-kho-a1955.html