Mới đây có mặt tại Trung tâm thương mại, du lịch Dũng Tân (thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), phóng viên được chị Nguyễn Thị Kim Oanh (chủ khu du lịch) cùng một hướng dẫn viên dẫn tham quan bằng xe điện. Khuôn viên rộng được bố trí với những khu vực dành cho các loại sinh vật cảnh, khu vui chơi…
Nằm phía cuối là khu vườn rau và chuồng nuôi lợn. Một bếp củi cùng 3 nồi cám to đang được một công nhân nấu bên cạnh dãy chuồng lợn khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng liên tưởng về một thời gian khó.
Tuy nhiên, dẫn phóng viên lại gần, chị Nguyễn Thị Kim Oanh chỉ về phía các ô chuồng tách biệt với các loại lợn đen, lợn nái, lợn đực và những nồi cám đang bắc trên bếp củi chính là mô hình nuôi lợn bằng “phương pháp chăn nuôi truyền thống” sử dụng lợi thế địa phương với cây trà đặc trưng mà gia đình đang triển khai.
Đây chỉ là một khu chuồng trại nhỏ với những lứa lợn đủ tuổi để mổ thịt thành phẩm. Khu chính với số lượng nhiều, tập trung tại xóm Bến, thành phố Phổ Yên cách đó khoảng gần 5 km.
Đi cùng vào khu trang trại tại xóm Bến, anh Dũng (chồng chị Oanh) cho biết, trang trại rộng hàng chục ha trước đây là cánh đồng heo hút, được gia đình mua lại từ anh em họ hàng, bà con từ những năm 2003-2004 với mục đích ban đầu chỉ để tăng gia chăn nuôi, phục vụ cho nhà hàng của gia đình.
Trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, khi gây dựng được tiềm lực kinh tế, vợ chồng anh Dũng mở rộng đầu tư trang trại với các mô hình trồng rau xanh, nuôi lợn, gà, chim bồ câu, thả cá, ba ba…
Tại khuôn viên chăn nuôi lợn, đàn lợn đen khoảng gần 200 con đang thả vườn. Khuôn viên chia làm hai khu vực với chuồng trại riêng và khu đất trống phía trước để lợn tự do chạy.
Chị công nhân vác những bó thân cây ngô, vừa di chuyển vừa gọi “huối huối huối, huối huối huối”. Tiếng gọi như gọi cho đàn gà ăn lại chính là âm thanh quen thuộc gọi đàn lợn hàng chục con chụm đầu ăn ngấu nghiến.
Theo chia sẻ của anh Dũng, trang trại có hai giống lợn là lợn rừng và lợn mán (lợn đen bản địa) nhập giống từ Hàm Yên (Tuyên Quang) và Thanh Sơn (Phú Thọ).
Thức ăn để nuôi vẫn gồm thành phần chính là cám gạo, cám ngô, bột đậu tương nhưng có thêm bột trà xanh (dược xay nghiền từ những lá trà Tân Cương phơi khô) xay chung trong máy trộn, sau đó ủ lên men và nấu chín.
“Từ khâu nhân giống, đến nuôi lớn, xuất chuồng đều được gối liên tục. Ngoài chuồng trại chính, còn có các chuồng trại vệ tinh khác quanh khu vực địa phương, mỗi chỗ nuôi 20-30 con. Mục đích để đảm bảo số lượng nuôi chung chuồng không quá lớn, đảm bảo vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh”, anh Dũng chia sẻ.
Đặc điểm của loại lợn ăn bột trà xanh là miếng thịt thơm, chắc. Các thực khách từng ăn đều cảm nhận được vị ngon. Hiện nay, thịt lợn được nuôi bằng phương pháp truyền thống sử dụng bột trà xanh của gia đình anh Dũng đều được đưa vào hệ thống nhà hàng của gia đình. Ngoài ra, khách quý hay khách ở xa có thể đặt mổ gửi chuyển phát.
Link nội dung: https://khoinghiep.net.vn/mo-hinh-nuoi-lon-sach-bang-bot-tra-xanh-doc-la-o-thai-nguyen-a1837.html