Hà Tĩnh: Trồng thành công cây niễng trên đất lúa kém hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao

Cây niễng được trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả ở xã Kỳ Phú (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) với chi phí thấp nhưng mang lại giá trị kinh tế khá cao cho bà con nông dân.

Cuối năm 2022, được Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh tạo điều kiện đi tham quan mô hình trồng cây niễng tại tỉnh Nam Định, anh Hoàng Minh Luyến ở thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú quyết định mua cây giống về trồng thử. Diện tích thử nghiệm là 1.000m2 trên đất ruộng thấp trũng, bỏ hoang tại thôn Phú Minh.

z6093657045461-88768d425845403ef209dfa2a8932390-1733216759.jpg

Anh Hoàng Minh Luyến thu hoạch cây niễng.

Anh Luyến chia sẻ: “Cây niễng, còn gọi là cây sả nước, giao bạch, lúa bắp, lúa niêu… mọc dưới nước hay dưới đất nhiều bùn, cao tới 1-2m, rễ nhiều, thân thẳng và xốp. Loài cây này được trồng lấy củ ở nhiều tỉnh phía bắc như Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa,... đem lại thu nhập cao cho người dân. Tại Hà Tĩnh, đây là lần đầu tiên giống cây này được trồng. Là người đầu tiên trồng giống cây niễng, trong quá trình sản xuất, bản thân cũng gặp một số khó khăn, phải chủ động tìm hiểu thêm các kiến thức, học hỏi cách chăm sóc”.

Được biết, thời vụ trồng cây niễng bắt đầu từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 dương lịch và thu hoạch củ từ cuối tháng 10. Lợi thế khi trồng niễng là chỉ cần cần mua giống năm đầu tiên còn những vụ tiếp theo có thể nhân giống trồng lâu dài. Do niễng là giống tái sinh bằng cách tách gốc ra lấy mầm để trồng. Ruộng trồng niễng được cải tạo, chuẩn bị giống như ruộng lúa nên dễ thực hiện. Niễng được trồng mỗi gốc cách nhau 70 - 80 cm.

Qua 2 vụ trồng niễng trên đất ruộng lúa kém hiệu quả cho thấy, cây phù hợp với thổ nhưỡng, phát triển rất tốt, thân chắc khỏe, chống chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Hà Tĩnh. Quá trình trồng, anh Luyến chỉ thực hiện bón phân chuồng ủ hoai và phân vi sinh, không dùng thuốc diệt cỏ.

z6093657048935-4e6652d6cbb6cc1b0f8e4e77a16b9c5a-1733216736.jpg

Tỷ lệ cho bắp đạt khoảng 85 - 90% (khoảng 5.000 - 7.000 củ/sào).

Theo tính toán của anh Luyến, mỗi sào trồng niễng, tỷ lệ cho củ đạt khoảng 85 - 90% (khoảng 5.000 - 7.000 củ). Tùy chất lượng và mẫu mã, niễng được bán với giá dao động từ 2.000 - 3.000 đồng/củ, trừ chi phí, trồng niễng có thu nhập 7 - 8 triệu đồng/sào, hiệu quả kinh tế gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Đến kỳ thu hoạch, người trồng kiểm tra “độ chín” của bắp niễng để thu hoạch đúng thời điểm mới đảm bảo dinh dưỡng vì nếu để lâu, bắp niễng sẽ bị già và xốp, ăn vào mất vị ngọt, ngon.

Để từng bước quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ làm cơ sở nhân rộng mô hình, thời gian qua, được hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Luyến đã chú trọng đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác để tăng độ nhận diện cho sản phẩm. Đồng thời, anh cũng chủ động tham gia các kênh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm như: lễ hội, hội chợ, sàn thương mại điện tử huyện Kỳ Anh,...

Anh Luyến chia sẻ: “Thời gian tới, tôi sẽ tăng cường hơn nữa việc xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và phát triển thị trường; tư vấn, hỗ trợ và liên kết sản xuất với các hộ dân có chung ý tưởng tại địa phương để mở rộng diện tích trồng cây niễng, góp phần phát triển kinh tế, cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng".

z6093657050820-632fef0759ad6b134b7df2fc7c92c9c4-1733216738.jpg

Sản phẩm củ niễng được mang đi giới thiệu tại các lễ hội, hội chợ trong tỉnh.

Theo ông Trần Văn Thoan - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú, qua gần 2 năm triển khai, cây niễng được đưa vào trồng trên những diện tích đất lúa thấp trũng, kém hiệu quả đã cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với trồng lúa. Đây được là mô hình rất có triển vọng phát triển trong thời gian tới. Vì thế, chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động, tuyên truyền nhân rộng đến các hộ dân có diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang trồng cây niễng trong vụ xuân năm 2025. Từ đó, góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững, giảm tình trạng đất ruộng bị bỏ hoang hóa tại địa phương.

Link nội dung: https://khoinghiep.net.vn/ha-tinh-trong-thanh-cong-cay-nieng-tren-dat-lua-kem-hieu-qua-mang-lai-gia-tri-kinh-te-cao-a1752.html