Hơn 21 năm trải qua nhiều vị trí công tác, hiện nay chị Thương đang công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, được giao phụ trách tham mưu lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật. Trực tiếp triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; biên soạn tài liệu và làm giảng viên một số lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chuỗi liên kết sản xuất; xây dựng các dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Cùng với tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, chị Thương trực tiếp phụ trách triển khai 20 mô hình trình diễn như: mô hình lúa chất lượng cao ĐS1, lồng ghép áp dụng kỹ thuật cấy lúa theo phương pháp “Hiệu ứng hàng biên” tại xã Dân Chủ (Hòa An), mô hình lạc L14 xã Vân Trình (Thạch An) và xã Ngọc Đào (Hà Quảng); mô hình đỗ xanh huyện Hà Quảng; mô hình đỗ tương huyện Quảng Hòa; mô hình sản xuất rau an toàn xã Hoàng Tung (Hòa An) và Thành phố; mô hình khoai tây vụ đông thị trấn Nước Hai và Hoàng Tung (Hòa An)… Tham gia triển khai các mô hình, các dự án: sản xuất rau hữu cơ xóm Nà Tẻng, xã Hồng Việt thuộc Dự án VIE/036; hỗ trợ thực hiện các đề tài phát triển sản phẩm miến dong theo chuỗi giá trị huyện Nguyên Bình, Hòa An. Đề xuất đề tài “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trồng cây cam bản địa theo Đề án nông nghiệp thông minh huyện Hòa An... Các mô hình đều được nông dân duy trì sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tham mưu cho huyện sử dụng nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai thực hiện hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị các cây trồng có thế mạnh của địa phương. Qua thực hiện các chuỗi liên kết, có 1.152 hộ được hưởng lợi, trong đó 449 hộ nghèo, 365 hộ cận nghèo. Trồng thử nghiệm cây thuốc lá tại xóm Văn Thụ, xã Nam Tuấn và trồng mới cây dong riềng theo chuỗi liên kết giá trị tại các xóm vùng cao xã Đại Tiến; hỗ trợ, triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản của địa phương, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, góp phần quảng bá sản phẩm nông sản đặc sản, chất lượng tốt, an toàn đến tay người tiêu dùng. Đến nay, huyện có 14 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao cấp tỉnh.
Chị Thương có nhiều sáng kiến, giải pháp như: Chương trình OCOP đối với mật ong rừng tự nhiên xã Hoàng Tung; quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ trong trồng ớt thương phẩm theo chuỗi liên kết giá trị… Tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh với 4 giải pháp, trong đó 3 giải pháp đạt giải 3: Sử dụng gạo Nhật làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất rượu gạo Nhật Cao Bằng; áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ trong trồng ớt thương phẩm theo chuỗi liên kết giá trị; sử dụng các giống lúa Nhật Japonica vào sản xuất lúa thương phẩm theo chuỗi liên kết giá trị. Giải khuyến khích giải pháp áp dụng quy trình trồng thuốc lá vụ đông, tăng hệ số sử dụng đất, đảm bảo an ninh lương thực các hộ trồng thuốc lá tại xã Dân Chủ.
Với những đóng góp đó, chị Thương vinh dự là một trong 56 cá nhân được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh và trao giấy chứng nhận “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2024.
Link nội dung: https://khoinghiep.net.vn/nha-khoa-hoc-cua-nha-nong-a1714.html