Từ những nỗ lực vì một tình yêu…
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm giáo viên, từ khi còn bé, Hạnh Nguyên đã ấp ủ ước mơ làm cô giáo. Cô bạn sinh ra và lớn lên ở huyện Yên Thành (Nghệ An) khi ấy đã quyết tâm thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh để được tiếp cận với nhiều kiến thức chuyên sâu hơn về văn học. Những đêm miệt mài đèn sách của cô bạn đều được đền đáp xứng đáng. Hạnh Nguyên không chỉ có mặt trong danh sách đầu bảng kỳ thi tuyển sinh vào Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu mà còn là chủ nhân của Giải Nhất kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ Văn sau đó.
Chia sẻ về quá trình học tập không ngừng nghỉ, Hạnh Nguyên cho biết: “Tất cả đều nhờ vào tình yêu vô bờ bến dành cho ngành Sư phạm của mình”. Cô bạn cũng gợi ý một số phương pháp học tập hiệu quả: “Quan điểm về phương pháp học tập của mình là dựa trên sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, khuyến khích sự sáng tạo và tư duy phản biện. Bên cạnh đó, đam mê là một điều không thể thiếu. Chính nhờ đam mê mà mình mới nỗ lực đến thế. Nếu không phải vì tình yêu dành cho con đường này, mình chắc chắn sẽ không thể kiên trì được lâu. Chọn đi học ở trường chuyên của tỉnh là chấp nhận xa nhà. Có những đêm mình thức dậy với cơn nức nở vì nhớ bố mẹ, nhưng rồi khát khao được làm cô giáo lại đánh thức mình. Mình tin rằng bố mẹ ở nhà luôn mong mình sẽ kiên định và tập trung học tập tốt. Khi nghĩ như thế, mọi khó khăn cũng dần nguôi ngoai”.
Ba năm cần mẫn trau dồi kiến thức ở Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu đã mang lại quả ngọt. Hạnh Nguyên là một trong những cái tên ưu tú đậu xét tuyển sớm vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành Sư phạm Ngữ Văn. Trong khoảng thời gian học tập tại ngôi trường mới, tuy còn nhiều bỡ ngỡ nhưng cô bạn đã nhanh chóng thích nghi và vạch ra định hướng cho mình.
“Nhiều lúc học khá mệt, nhưng mình rất vui vì đang dần chạm tới ước mơ. Khoảng thời gian học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã giúp mình tìm ra một số phương pháp học tập hiệu quả khác. Đó là chính bản thân sinh viên, học sinh nên chủ động tham gia vào quá trình học tập, nói cách khác là tăng cường đối thoại, giao tiếp thay vì chỉ tiếp nhận một chiều. Là một nhà giáo tương lai, mình vẫn luôn muốn áp dụng quy tắc giảng dạy này. Khi được tham gia vào quá trình giảng dạy, mình sẽ tập trung vào việc tạo ra một môi trường học tập tích cực và thú vị cho học sinh như những gì mình từng ước ao khi còn là một cô học sinh ngày ấy”.
… Đến vững tin trên con đường ươm mầm mơ ước
Đam mê sư phạm hơn cả thập kỷ, Hạnh Nguyên thường xuyên nhận được những câu hỏi như “Dạo này có còn yêu thích nữa không?”. Cô bạn tâm sự: “Những lúc đấy mình chỉ biết cười trừ. Đúng là nhiều khi theo đuổi một cái gì đó quá lâu, nhiều người sẽ hoài nghi về tình cảm mình dành cho nó. Nhưng với mình, tình yêu dành cho sư phạm lúc nào cũng trong vòng tuần hoàn và luôn hướng tới những khả năng tái sinh. Một khi niềm đam mê đã chín, thì nó sẽ tự khởi động lại hệ thống, để rồi qua ngưỡng “chín” không phải là sự hụt hẫng, tiếc nuối, mà sẽ là một cảm giác mới mẻ như lần đầu biết yêu”.
Tâm niệm “Chân thành đổi lấy chân thành”, Hạnh Nguyên luôn đặt cái tâm lên hàng đầu trong mọi công việc, và đó cũng là cách cô bạn hiện thực hóa ước mơ của mình.
Những ngày còn bé, Hạnh Nguyên được dõi theo bài giảng của mẹ, quan sát những người thân trong gia đình chuẩn bị cho các hoạt động giảng dạy. Không phải ngẫu nhiên mà có nhận định “Nghề giáo – Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Khi nhìn mẹ cặm cụi bên trang giáo án mỗi đêm, cô bạn ý thức được sứ mệnh của quá trình giảng dạy. “Vất vả là thế, khó khăn là thế, nhưng mẹ mình vẫn bảo khi được nhìn những người học trò trưởng thành hơn thì những gian nan ấy cũng nguôi ngoai”, Hạnh Nguyên cười hạnh phúc.
Giờ đây, được trở thành sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hạnh Nguyên vững tin hơn với những dự định tương lai của mình. Cô bạn có thói quen chuẩn bị bài học trước khi vào tiết, thậm chí là tìm hiểu về các khía cạnh của nghề giáo để phục vụ cho công tác trong tương lai. Điều làm Hạnh Nguyên ấn tượng nhất là khi tra cứu về nghề nghiệp mình đã chọn, cô bạn đọc được một bài viết khẳng định nghề giáo là “nghề có chỉ số hạnh phúc cao nhất”. Chính nhận định này đã giúp Hạnh Nguyên lạc quan, tích cực hơn trên con đường chạm đến ước mơ.
“Bây giờ bản thân mình vẫn đang trong quá trình đào tạo, vẫn đang là một sinh viên trên ghế nhà trường. Nhưng nhờ giai đoạn này mà mình cảm nhận được sự quan trọng của giáo dục trong việc phát triển bản thân và xã hội, cũng như những tác động tích cực mà giáo viên có thể mang lại cho học sinh. Điều đó càng khiến bản thân mình cảm thấy tôn trọng ngành nghề mà bản thân đang theo đuổi”.
Với Hạnh Nguyên, đi trên con đường thầm lặng dệt nên những ước mơ của nghề giáo, việc thắp sáng ngọn lửa tri thức trong tim mỗi thế hệ học trò là mục tiêu mà cô nàng hướng tới.
Những ngày tháng mười một, Hạnh Nguyên lại thêm tự hào về con đường đã chọn. Cô bạn luôn tâm niệm phải biết ơn và tri ân những người đang không ngừng góp sức nuôi dưỡng mầm non tương lai Tổ quốc.
“Mình luôn khắc ghi trong trái tim rằng nghề giáo là một sứ mệnh cao cả. Mỗi ngày được đứng trên bục giảng là một ngày có cơ hội để thay đổi cuộc đời của học sinh. Mình muốn dạy bằng tất cả những nỗ lực, sự phấn đấu, sự đầu tư và đặc biệt là tuân theo lý tưởng về nghề giáo. Làm một người giáo viên đã không hề dễ dàng, nên để trở thành một người giáo viên giỏi sẽ cần rất nhiều sự tôi luyện hơn nữa. Bản thân mình vẫn đang nỗ lực để chạm tới hiện thực một ngày được đứng trên bục giảng. Hơn ai hết, mình tự hào vì được là một phần của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mình đã được gia đình nuôi dưỡng ước mơ, và sau này, chính mình sẽ là người lan tỏa, ươm những mầm xanh tri thức đó”.
Link nội dung: https://khoinghiep.net.vn/sinh-vien-tieu-bieu-hnue-tu-ban-tay-uom-mam-mo-uoc-a1713.html