Chị Nguyễn Thị Hà sinh năm 1985, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Thụy Hương hiện đang sử dụng 70ha đất để trồng lúa, trồng rau màu, trồng ra gạo ruộng rươi (loại gạo sạch) mỗi năm thu nhập được 2,8 tỷ đồng.
Chị Hà sinh ra và lớn lên tại vùng đất Ninh Giang (Hải Dương) trong một gia đình đông con. Mẹ chị Hà mất sớm, thuở đó mình bố chị không gánh vác nổi kinh tế của gia đình, chính vì vậy, khi đang theo học tại trường Đại học Nông nghiệp Việt Nam chị đã phải thôi học để về quê lao động và lập gia đình.
Năm 2009, sau khi lấy chồng, chị Hà và chồng đã đến Hải Phòng để làm việc. Chị đã bươn chải với nhiều công việc khác nhau nhưng trong lòng chị luôn có niềm đam mê với nông nghiệp. Chị đã dành nhiều thời gian để tham khảo, tìm hỏi cách làm nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Lúc đầu, chị chỉ tận dụng diện tích đất vườn của gia đình làm một nhà lưới nhỏ để thỏa mãn đam mê trồng cây của mình. Trong nhà lưới đó, chị trồng nhiều loại cây theo hướng an toàn và thử nghiệm việc gieo mạ khay.
Ngoài giờ làm việc thì chị lên mạng tìm hiểu thêm về nhiều cách làm nông nghiệp, học tập thêm nhiều kiến thức về cơ giới hóa hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng mới.
Chị đã mày mò tìm hiểu sâu về công nghệ gieo mạ khay để cấy bằng mày. Khi đó, thấy ở Hải Phòng vẫn chưa có ai làm lĩnh vực này nên chị đã quyết định làm thử. Chị đã vận động bà con nông dân ở đây để chị cung ứng dịch vụ cho họ. Dần dần, chị đã bén duyên với nghề này và ngày càng sâu đậm hơn.
Chị chia sẻ, khi mới bắt đầu công việc cung ứng mạ khay cấy bằng máy chị gặp phải không ít khó khăn. Khi đó, người dân vẫn chưa quen với việc cấy bằng máy, nhiều người sau khi cấy bằng máy lại nhổ đi rồi cấy lại bằng tay. Nhiều người nông dân cho rằng, cấy mạ khay bằng máy thì cây lúa không bám chắc vào đất, cấy thưa gây lãng phí đất.
Khi đó, chị đã mạnh dạn cam kết và bồi thường cho những người dân còn chưa tin tưởng. Thế nhưng, những nghi ngờ đó rồi cũng biến mất khi năng suất cấy bằng mạ khay bằng máy năm đó đạt 2,8 tạ/sào. Chính sự cam kết ban đầu đó mà chị Hà có được những thành công như hiện tại.
Chia sẻ lý do việc cấy mạ khay bằng máy hiệu quả hơn, chị Hà cho biết, gieo mạ khay trong nhà lưới sẽ giúp tiết kiệm được nhiều diện tích, mạ không bị phá chuột hay côn trùng phá hoại, cây mạ lên đều mà không tốn nhiều chi phí hay thời gian.
Cấy mạ khay bằng máy thì rễ cây lúa sẽ ăn nông bên trên, giúp cây phát triển tốt hơn và nhận được dinh dưỡng tốt hơn. Ngoài ra, khi cấy thưa sẽ giúp lúa ít bị sâu bệnh hơn, giảm được chi phí thuốc trừ sâu cũng như công chăm bón.
Năm 2013, Hải Phòng đã có chương trình áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ người nông dân cấy mạ khay bằng máy nên người nông dân trên toàn thành phố đều được tiếp cận với phương pháp này. Nhờ đó mà công nghệ cấy mạ khay bằng máy của chị Hà đã được nhân rộng ngày càng nhiều.
Thấy việc thay đổi này mang lại hiệu quả, nhiều nông dân ở Hải Phòng đã bắt đầu thay đổi cách làm. Dần dần số người sử dụng mạ khay cấy bằng máy tăng lên, phương pháp canh tác thủ công dần dần được xóa bỏ.
Tại địa phương, tình trạng nông dân bỏ ruộng diễn ra ngày càng nhiều, thấy vậy chị Hà đã vận động bà con thuê lại, sau đó cải tạo để trồng lúa chất lượng cao, lúa cá theo hướng an toàn. Ngoài ra còn tận dụng những mảnh ruộng cao để xen canh, tăng vụ trồng rau vụ động như bắp cải, súp lơ, khoai tây, cà chua... Giờ đây, diện tích tích tụ làm nông nghiệp đã lên đến 70ha. Hiệu quả sản xuất cao gấp 3-5 lần so với việc trồng lúa truyền thống.
Năm 2017, chị Hà đã thành lập HTX Sản xuất và kinh doanh dịch vụ Thụy Hương. HTX đã liên kết với các công ty lớn như Công ty TNHH Thành Vinh, Công ty chế biến khoai tây ORION, Công ty cổ phần sinh thái Gạo Ruộng rươi... để bao tiêu sản phẩm, giúp bà con yên tâm về đầu ra, yên tâm sản xuất.
Trong quá trình tích tụ ruộng đất để trồng lúa an toàn thì chị Hà cũng đến thăm những vùng đất bãi ngoài đê, tìm hiểu về hệ sinh thái rươi-lúa.
Sau khi tham quan và học hỏi thì chị Hà biết, đây là một môi trường cộng sinh. Ấu trùng rươi luôn có trong những lần nước lên, xuống. Khi đó thì người dân sẽ lấy nước vào ruộng, ấu trùng rươi sẽ theo vào, cấy lúa chính là chỗ để ấu trùng rươi trú lại, rồi sinh sôi và phát triển. Đến tháng 9, tháng 10 khi có con nước lớn rươi sẽ ngoi lên và bà con có thể thu hoạch rươi.
Khi cấy lúa trong đầm rươi thì toàn bộ quá trình sẽ không bón bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học hay phân bón hóa học. Chị Hà thấy người dân trồng lúa trong đầm rươi để cải tạo đất mà không hoạch lúa thì rất lãng phí, chính vì thế, chị đã quyết định sưu tầm những giống lúa phù hợp làm chân ruộng đầm rươi, có thể thu hoạch được, giúp nâng cao giá trị giúp người dân thu được cả rươi lẫn lúa.
Chị Hà đã vận động một hộ dân để cấy thử nghiệm mạ khay cấy máy trên diện tích 5 sào ruộng nuôi rươi, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh trùn quế, rơm rạ, trấu ủ mục để bón cho lúa đồng thời tạo độ tơi cho đất.
Kết quả thu được cả rươi và lúa để phát triển tốt, năng suất lúa đạt 80-90/kg một sào, giá bán cao gấp 3 lần lúa thông thường, không những thế sản lượng rươi cũng tăng lên đáng kể.
Cấy lúa bằng máy giúp chi phí nhân công giảm do đó người dân đã dần chuyển sang cấy lúa bằng mạ khay trên diên diện tích nuôi rươi của mình với các giống lúa như Thơm RVT, ST21, ST24, ST25, gạo huyết rồng, gạo tím, và nhiều giống lúa thảo dược có giá trị cao. Nhờ đó, người nuôi rươi có thêm thu nhập từ lúa mà năng suất rươi cũng cao hơn.
Theo chị Hà, gạo từ lúa ruộng rươi có chứa nhiều dưỡng chất như vitamin A, B1, B6, B12, Omega 3-6-9... là sản phẩm gạo tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của người sử dụng. Gạo rươi còn phù hợp với những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người ăn chay.
Năm 2019, gạo ruộng rươi của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp thành phố, gạo ruộng rươi cũng được bán trên nhiều cửa hàng, siêu thị của hơn 20 tỉnh trên cả nước.
Hiện tại, chị Hà đang triển khai việc cấy mạ khay trên ruộng rươi và tiến hành bao tiêu đầu ra cho toàn bộ sản phẩm gạo ruộng rươi trên diện tích 200ha. Hàng năm, số lượng tóc bán ra thị trường khoảng 600 tấn, gạo rươi khoảng 100 tấn được bán với giá khoảng 40-50 nghìn đồng/kg.
Toàn bộ lúa được cấy trên ruộng rươi của bà con đều được HTX bao tiêu đầu ra. Thóc sẽ được đưa đi sấy chậm theo phương pháp công nghiệp giúp đảm bảo chất lượng hát tốt nhất mà không bị phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết.
Ngoài lúa gạo thì chị Hà còn có nguồn thu nhập từ sản phẩm rau mầm được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, có đầu ra ổn định là các bếp ăn tại các nhà máy hay các trường học trên địa bàn thành phố Hải Phòng với lợi nhuận khoảng 60-70 triệu đồng/năm.
Hiện nay, HTX đang tiếp tục triển khai việc tích tụ diện tích đất ruộng bị bỏ hoang để cải tạo trồng lúa rươi và trồng rau củ quả sạch, tuy nhiên lại gặp phải vấn đề vốn đầu tư. HTX không thể vay vốn ngân hàng vì đang sản xuất trên đất thuê nên không thể vay vốn, trong khi cách khu đất bỏ hoang được HTX thuê cũng chưa có cơ chế, chính sách riêng. Ngoài ra, song song với việc cải tạo đất ruộng bỏ hoang còn phải cải tạo đường nội đồng, trong khi đó việc cải tạo đất hoang cũng tốn rất nhiều chi phí.
Để người nông dân không tiếp tục bỏ hoang ruộng cũng như các HTX, các doanh nghiệp phát huy được nội lực, bỏ công sức và tiền bạc ra cải tạo đồng ruộng, đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không để đất hoang phí thì cần phải có sự quan tâm thiết thực của các ngành thủy lợi, nông nghiệp... cũng như chính quyền của các địa phương trong thành phố.
Theo Dân Việt
Link nội dung: https://khoinghiep.net.vn/dot-pha-trong-canh-tac-lua-htx-thuy-huong-va-gao-ruong-ruoi-dac-san-hai-phong-a1532.html