HTX Làng nghề sen Mê Linh hiện đang từng bước mở rộng diện tích trồng sen ở những vùng ruộng sâu trũng kém hiệu quả, những vùng đầm lầy, giúp mang đến nguồn nguyên liệu dồi dào cho dự án mang tính bền vững tại địa phương, giúp người dân nơi đây ổn định nguồn thu nhập.
Trong nhiều năm liền, vì nhiều lý do khác nhau mà diện tích đất trồng lúa tại thôn Liễu Trì (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) thường xuyên bị ngập úng, khó canh tác, không ít cánh đồng dần bị hoang hóa. Hoạt động trồng lúa không đem lại giá trị kinh tế cao, do đó nhiều hộ dân trong xã đã bỏ hoang ruộng.
Anh Lã Quang Khanh là một người con của thôn Liễu Trì, chứng kiến những cánh đồng bị bỏ hoang ngày một nhiều khiến anh rất buồn. Anh nghĩ "tấc đất tấc vàng" thế mà bỏ hoang như thế thì thật phí phạm, nên anh hạ quyết tâm làm giàu ngay trên chính quê hương từ những mảnh đất bị lãng quên này.
Anh Lã Quang Khanh, Giám đốc HTX Làng nghề sen Mê Linh chia sẻ, từ khi còn nhỏ trong lòng anh đã ấp ủ giấc mơ sau này sẽ xây dựng một mô hình kinh doanh lấy sen làm gốc.
Anh Khanh cho biết, sau khi đi làm anh đã được tiếp xúc với rất nhiều người và nhận ra rằng việc giữ gìn và phát triển đặc sản quê hương là việc làm cần thiết, thông qua đó mà lưu giữ được nền văn hóa và giá trị truyền thống. Chính vì thế, anh đã bàn bạn với gia đình và một vài người bạn cùng nhau nghiên cứu để tìm ra hướng đi cho hoa sen Việt Nam.
Sau khi về quê, anh đã sử dụng những kiến thức và kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực nông nghiệp để nghiên cứu thêm về loài hoa này, ngoài ra anh cũng tìm hiểu thêm những sản phẩm được làm ra từ cây sen.
Năm 2017, với số tiền 200 triệu đồng đã tích lũy được, anh Khanh đã đi đấu thầu một số đầm sen tại địa phương, sau đó mua giống sen, bón phân để sen phát triển. Nơi đây vốn trồng loài sen bản địa nhưng dần dần loại sen này đã bị thoái hóa. Chính vì thế, bên cạnh việc bảo tồn giống sen bản địa thì anh cũng kết hợp với nhiều thầy cô, bạn bè để nghiên cứu, thử nghiệm trồng thêm các giống sen khác tại những vùng ruộng trũng mà người dân đang bỏ hoang.
Bên cạnh nghiên cứu việc phát triển trồng sen thì anh còn tìm hiểu việc kinh doanh các sản phẩm từ sen để phát triển kinh tế địa phương.
Năm 2020, sau khi nhận được sự hỗ trợ đến từ địa phương thì anh Khanh đã cùng một vài người bạn của mình thành lập HTX Làng nghề Mê Linh. Tuy nhiên, lúc đầu chưa có nhiều kinh nghiệm HTX đã gặp khó khăn và không đủ chi phí để chi trả tiền nhân công, thuê ruộng... bị thua lỗ gần 300 triệu đồng.
Ban lãnh đạo HTX Làng nghề sen Mê Linh, sau khi hiểu được mình đang có nhiều điểm yếu như thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng, kỹ thuật lựa chọn giống sen trồng hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương đã tìm đến các chuyên gia nông nghiệp. Qua quá trình tìm tòi nghiên cứu tài liệu liên quan thì đã đưa ra được 3 loại sen thích hợp nhất để trồng là sen bách diệp hồng Hồ Tây (loại chuyên dùng để ướp trà), bạch liên trắng và quan tâm trắng (loại dùng để trang trí).
Ban đầu chỉ có 5ha, giờ đây HTX đã mở rộng diện tích trồng sen lên đến hơn 50ha, diện tích này được thuê lại từ hàng trăm hộ dân thôn Liễu Trì không sử dụng.
Anh Khanh chia sẻ, lựa chọn mở rộng quy mô canh tác và chuyển đổi sang trồng sen bách diệp chính là việc làm đúng đắn của HTX. Sen bách diệp có hoa màu hồng, mỗi bông có 139 cánh, ước tính năng suất 18.000 bông/ha, nếu được mùa thì số bông sen có thể tăng lên nhiều. Không những cho năng suất cao mà loài sen này con cho mùi thơm và số lượng nhị vượt trội.
Sau nhiều lần thử nghiệm cách ướp trà, đi khắp nơi mày mò, học hỏi kinh nghiệm, dần dần HTX đã có được tay nghề ướp trà sen, sản xuất được những sản phẩm trà sen chất lượng cả về hương lẫn vị.
Khi đã nắm được kỹ thuật làm trà sen, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng thì HTX cần giải quyết bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm. Bắt đầu với việc tìm đến các thương lái, mời họ dùng thử trà sen khi họ đến đây mua hoa. Rồi tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều thương lái cũng như người tiêu dùng biết đến tên tuổi của trà sen của HTX.
Danh tiếng của HTX ngày càng vươn xa, nhiều lái buôn ở khắp nơi đổ về đây để mua sen với số lượng lớn, giá hoa sen của địa phương cũng cao hơn nhiều so với một số vùng khác.
Lúc cao điểm, mỗi ngày trung bình HTX có thể thu được khoảng 30.000 bông sen, cả vụ sen có thể đạt được hơn 3 triệu đồng, doanh thu của cả hoa sen và trà sen khi chưa trừ chi phí có thể lên đến hơn 11 tỷ đồng.
HTX còn đầu tư 2 kho lạnh sức chứa lên đến 2 tấn trà sen để ướp trà sen mang thương hiệu Mê Linh. Sử dụng sen bách diệp để ướp trà cũng là một trong những cách giúp các thành viên trong HTX có nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế địa phương.
Khi bắt đầu đạt được thành tựu nhất định, HTX Làng nghề sen Mê Linh đã liên kết, hợp tác với một số cửa hàng để trưng bày và bán các sản phẩm làm từ sen tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, vươn đến giấc mơ xuất khẩu ra nước ngoài.
Giám đốc của HTX cho biết, muốn làm ra những sản phẩm có giá trị từ sen cần phải có sự tỉ mỉ, công phu và không thể thiếu các loại máy móc hiện đại.
Điển hình như việc làm trà sen, từ một bông hoa sen, nhân công sẽ thực hiện nhiều công đoạn. Cần người hái sen, người nhặt bỏ nhánh hoa, người tách nhụy sen, người tách gạo sen. Những sản phẩm từ bông sen sẽ được ủ với trà và cho ra sản phảm đặc biệt mang thương hiệu của HTX Làng nghề sen Mê Linh.
Một bí quyết khi làm trà sen chính là các công đoạn cần phải thực hiện trong buổi sáng sớm mới giữa được hương thơm đặc trưng của loài hoa này. Chính vì thế, đến mùa cao điểm, ngoài 12 nhân công cố định thì HTX cần phải thuê thêm người để cùng hái và làm sen.
Đầu năm 2024, HTX đã đầu tư hệ thống máy móc để chế biến sâu các sản phẩm từ sen như máy hấp, máy sấy, máy ủ, máy đóng bao bì, máy hút chân không... Toàn bộ sản phẩm của HTX đều được đóng gói đẹp mắt, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. HTX còn dự định sẽ xây dựng nơi bảo tồn các giống sen đẹp, quý.
Tính đến giờ, HTX đã thử nghiệm thành công 52 giống sen trong đó có 15 giống nội địa và 37 giống ngoại, HTX đã trồng thành công các giống sen quý như sen đỏ Bắc Kinh, sen ngàn cánh, sen Quan Âm.
Một trong những sản phẩm kỳ công nhất được làm từ sen mà HTX đã thành côn sản xuất là trà ướp bông sen. Để làm được những sản phẩm này thì cần phải thực hiện theo các quy trình kxy thuật nghiêm ngặt, nguyên liệu cần được lựa chọn kỹ càng từ những đầm sen sạch, môi trường trong lành, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đến mùa sen nở, cứ đến khoảng 4h sáng là người dân sẽ ngắt những bông sen bách diệp to nhất đang chúm chím nở. Sau khi được ngắt về thì cắm hoa sen vào nước, rồi nhẹ nhàng tách cánh hoa và bỏ vào đó 12g trà Shan tuyết đã được ủ hương trước với gạo sen.
Hiện nay, vùng nguyên liệu chính của HTX đã được liên kết với các hộ nông dân. Giống cây sẽ được HTX nhân giống và phân phối cho người dân, sau đó chuyển giao công nghệ và bao tiêu đầu ra cho người nông dân, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp người dân phát triển kinh tế.
Ban lãnh đạo HTX chia sẻ, trong tương lai nơi đây có thể phát triển dịch vụ du lịch gắn liền với cây sen. Hiện tại, HTX cũng đang thành lập dự án nhà máy chế biến các sản phẩm từ sen kết hợp với du lịch sinh thái nhằm thu hút du khách từ trong và ngoài nước đến đây để trải nghiệm du lịch thân thiện với thiên nhiên.
Theo VnBusiness