CEO Công ty Cổ phần Công nghệ An Vui, doanh nhân Phan Bá Mạnh: Ứng dụng công nghệ giúp khách hàng và nhà xe có những chuyến xe “đi An về Vui”

Mục tiêu của An Vui chính là cung cấp ứng dụng công nghệ để kết nối khách hàng, giúp các doanh nghiệp vận tải kinh doanh hiệu quả hơn. CEO Phan Bá Mạnh và đội ngũ của mình mong muốn sẽ mang đến cho nhà xe và khách hàng những chuyến xe "đi An về Vui".

Nhờ công nghệ mà xoay chuyển thế cục

Một thương hiệu xe du lịch được nhiều du khách ưa chuộng mỗi khi có dịp lên thăm Sapa là Inter Bus Lines. Trong ngành dịch vụ vận tải hành khách thì thương hiệu này cũng thuộc top doanh nghiệp dẫn đầu với số xe lên đến hơn 100, tỷ lệ lấp đầy trung bình mỗi chuyến là khoảng 87%. 

Doanh nhân Phan Bá Mạnh nhớ lại, từng có một Inter Bus Lines hoàn toàn khác biệt so với hiện tại. Vào tháng 7/2017, chủ tịch của thương hiệu này là ông Nguyễn Thanh Tùng đã có ý định dừng hoạt động hãng xe. Nguyên nhân là do hãng đã ứng dụng phần mềm của một công ty trung gian vào để bán vé song kết quả kinh doanh vẫn không khả quan.

ceo-an-vui-anh-phan-ba-manh-1714487322.jpg
Anh Phan Bá Mạnh, CEO Công ty Cổ phần Công nghệ An Vui

Trên mạng thì thương hiệu này khá mờ nhạt và thường bị các đối tượng khác giả mạo. Về mặt kinh doanh thì doanh thu thực nhận luôn nằm ở con số thấp vì bị các đại lý chiếm dụng vốn trong khi lượng vé bán ra không hề nhỏ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đang phải đối diện với nguy cơ phải phụ thuộc vào một đại lý độc quyền, đây cũng là bên đang nắm giữ phần mềm bán vé của Inter Bus Lines. 

Nhận thấy đây chính là vấn đề mà An Vui có thể giải quyết, đội ngũ của An Vui đã tiếp cận và đề nghị Inter Bus Lines rằng An Vui sẵn sàng cung cấp nền tảng công nghệ cho hãng xe. Điều kiện duy nhất mà An Vui đưa ra chính là "Nếu hiệu quả kinh doanh của Inter Bus Lines tăng thêm 10 đồng thì An Vui xin nhận lại 1 đồng". Thời điểm đó, An Vui mới chỉ ra mắt 1 tháng, hoạt động chính của doanh nghiệp là chuyên về các giải pháp quản trị toàn diện cho các nhà xe đường dài. 

Khi đó, Inter Bus Lines đã lựa chọn đồng ý, đáp ứng điều kiện của An vui và để đơn vị này đưa các giải pháp thay thế hệ thống phần mềm cũ. Việc đầu tiên An Vui thực hiện chính là xây dựng hệ thống website theo nhận diện của Inter Bus Lines. Sau đó, sử dụng các công cụ đúng chuẩn SEO. Bước tiếp theo, An Vui hỗ trợ xây dựng ứng dụng đặt vé online cho Inter Bus Lines để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các khách hàng trung thành một cách nhanh nhất. Ngoài ra, Inter Bus Lines còn được An Vui hỗ trợ phát triển phần mềm quản lý kênh bán, nhờ đó mà nhà xe có thể chủ động mở rộng kênh bán thông qua các đại lý đồng thời có thể kiểm soát được vấn đề chiếm dụng vốn.

Chỉ trong vòng 2 năm, doanh thu của Inter Bus Lines đã tăng 200% trong khi số lượng lao động giảm đến 1/3. Nếu theo cam kết hợp tác ban đầu thì khoản chi phí mà Inter Bus Lines phải trả cho An Vui lên đến 100 triệu đồng. Khi đó, An Vui đã điều chỉnh lại chi phí theo những tính năng mà Inter Bus Lines đã sử dụng. Trong khi đó, Inter Bus Lines với vai trò là khách hàng đầu tiên cũng giúp An Vui cải thiện được sản phẩm của mình. 

Có thể thấy "Inter Bus Lines chính là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ bằng các ứng dụng công nghệ có thể giúp cho các doanh nghiệp vận tải xoay chuyển cục diện kinh doanh của mình", đại diện của An Vui nói.

Mang đến cho khách hàng những chuyến xe "đi An về vui"

Tính đến nay, sau 7 năm hợp tác thì Inter Bus Lines đã trở thành khách hàng thân thiết của An Vui. Ngoài ra, An Vui còn có thêm khoảng 400 khách hàng khác, đa phần đều là những thương hiệu vận tải lớn như Kumho Samco, Hào Hương, Sơn Tùng, Bắc Sơn. Tính đến năm 2023, trên hệ thống của An Vui đã ghi nhận được hơn 9 triệu vé bán ra thị trường tương đương với số tiền bán vé là 400 tỷ đồng.

CEO An Vui, anh Phan Bá Mạnh ước tính rằng, khoảng 80% thị trường vận tải hành khách trong nước nằm trong tay 20% doanh nghiệp vận tải lớn. Trong số đó, An Vui đã hợp tác với khoảng 50% doanh nghiệp, giờ đây đã trở thành tên tuổi dẫn đầu thị trường giải pháp công nghệ cho những doanh nghiệp xe đường dài. 

"Toàn bộ quá trình vận hành của các doanh nghiệp này đều được tự động hóa. Các doanh nghiệp có thể quản lý theo giây, trong đó có số vé bán ra, số vé tồn, lịch trình di chuyển, dòng  tiền, lỗ, lãi. Sử dụng phần mềm An Vui có thể giúp các nhà xe tiết kiệm được 10-15% chi phí vận hành và doanh thu bán vé tăng 15-30% nhờ việc cung cấp công cụ giao tiếp và tương tác khoa học giữa các bộ phận trong doanh nghiệp", CEO An Vui khẳng định. 

Bên cạnh những doanh nghiệp vận tải lớn thì vẫn có nhưng doanh nghiệp vận tải nhỏ trong cuộc đua chuyển đổi số. Từ đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng An Vui để triển khai chương trình miễn phí khởi tạo phần mềm cho các nhà xe sở hữu dưới 5 xe. Cứ mỗi chuyến xe lăn bánh thì An Vui sẽ nhận 5.000 đồng từ nhà xe.

"Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải bị chịu ảnh hưởng nặng nề, phải đứng trước nguy cơ phá sản hoặc ngừng hoạt động vì không có khách hàng cũng như không đủ chi phí để duy trì. Đây cũng chính là động lực để An Vui tiến hành thực hiện chương trình hỗ trợ này, cùng chung tay với các doanh nghiệp vận tải vượt qua thách thức", anh Phan Bá Mạnh cho biết. 

Đối với các hành khách thì khi các đơn vị vận tải đưa công nghệ vào quản trị thì họ có thể dễ dàng đặt vé hơn, không cần phải xếp hàng dài để chờ mua vé, họ được chủ động chọn chỗ ngồi và không phải rơi vào tình trạng chen lấn, nhồi nhét vào mỗi dịp lễ, Tết.  

Anh Phan Bá Mạnh chia sẻ, anh rất hiểu nỗi khổ của những hành khách luôn phải di chuyển đường dài bằng ô tô. Nhớ lại 10 năm về trước, anh Mạnh từng thất bại trong một dự án kinh doanh, anh đã mất hết tất cả nên phải khoác balo rồi lang thang khắp nơi trên cả nước để tìm kiếm cơ hội và động lực cho bản thân.

Khi đó, anh đã gặp không ít khó khăn trên hành trình của mình vì thiếu thông tin, thiếu công cụ đặt vé online, có những lúc đặt được vé rồi thì lại bị lên nhầm chuyến hoặc bị trả sai địa điểm. Từ đó, anh đã nảy ra ý tưởng về những chuyến xe "đi An về Vui:, giúp được cả hành khách lẫn các doanh nghiệp vận tải.

Xây dựng một "nền công nghiệp vé" minh bạch

Chia sẻ với phóng viên Báo đầu tư, CEO Phan Bá Mạnh cho biết, mục tiêu của anh chính là xây dựng một "nền công nghiệp vé" minh bạch, giúp giảm lãng phí, thất thoát cho xã hội. Mục tiêu ban đầu là xây dựng một nền tảng quản trị hướng đến doanh nghiệp vận tải thì giờ đây công nghệ của An Vui đã được áp dụng sang nhiều ngành khác như bán vé tàu thủy, bán vé xem phim, vé tham quan, điểm du lịch...

Dù hiện tại đã gặt hái được nhiều thành công nhưng anh Phan Bá Mạnh không bao giờ quên được để đi đến ngày hôm nay An Vui đã phải trải qua những khó khăn gì. Anh thừa nhận rằng, với những hiểu biết mà anh đã có thì giờ đây nếu được cho cơ hội chưa chắn bản thân anh dám bắt tay vào xây dựng An Vui một lần nữa. 

Anh Phan Bá Mạnh cho biết, khó khăn lớn nhất trong quá trình hoạt động của An Vui không phải đến từ sản phẩm hay thị trường mà đến từ việc làm sao có thể thay đổi nhận thức của các nhà xe.

Theo anh Mạnh, hầu hết chủ doanh nghiệp vận tải đều trưởng thành từ đội ngũ lái xe hoặc phụ xe. Những người này đã có nhiều năm vật lộn trong ngành, hiểu được sự gai góc của thị trường nên hầu hết họ chấp nhận việc thất thoát hay lãng phí là điều tất yếu, đôi khi họ còn sẵn sàng trả các khoản chi phí chính thức hơn là việc đầu tư vào công nghệ. Chính vì thế, An Vui phải kiên trì thuyết phục, quyết không bỏ cuộc khi khách hàng cứ liên tục nói "không".

Trong thời kỳ đại dịch, An Vui đã đứng trước tình thế cực kỳ khó khăn. Các khách hàng của An Vui phải dừng hoạt động vì tình trạng giãn cách xã hội kéo dài, khiến cho doanh thu của An Vui về 0 trong vòng 1 năm. Trong khoảng thời gian đó, dù đã nhận được 2 vòng vốn đầu tư của Quỹ Vina Capital và Hustle Fund trong năm 2020 thì An Vui vẫn phải vật lộn để sống còn.

Đó cũng chính là lúc CEO Phan Bá Mạnh nhận ra rằng, doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều khó tồn tại, chỉ có doanh nghiệp linh hoạt dễ thích ứng mới có thể vững vàng.

Anh Phan Bá Mạnh khẳng định: "Nhất quyết không đốt tiền để mua người dùng mà cần lấy chiến lược lâu dài kết hợp giữ công nghệ và sự am hiểu sâu về ngành để làm lợi thế cạnh tranh".

Trải qua nhiều thử thách thì thời gian tới An Vui sẽ tập trung cao độ để phát triển thị trường trong nước để sản phẩm tiếp cận đến nhiều nhà xe hơn. Ngoài ra, An Vui đang tính đến việc tham gia bán vé sân vận động, đây được coi là phân khúc "khó nhằn" hơn cả vận tải hành khách. Để rồi từ đó, An Vui tiếp tục đi lên, từng bước tiếp cận và chinh phục thị trường các nước Đông Nam Á trong thời gian tới. 

Theo Báo đầu tư 

Link nội dung: https://khoinghiep.net.vn/ceo-cong-ty-co-phan-cong-nghe-an-vui-doanh-nhan-phan-ba-manh-ung-dung-cong-nghe-giup-khach-hang-va-nha-xe-co-nhung-chuyen-xe-di-an-ve-vui-a1429.html