Ông Mai Quốc Bình chia sẻ, năm 2009 sau khi vừa hoàn thành chương trình đại học liên thông ngành quản trị kinh doanh thì ông bắt tay vào khởi nghiệp. Trong quãng thời gian 2 năm vừa học, vừa làm ông cũng đã tích lũy được một chút kinh nghiệm.
Ông bắt đầu xây dựng Thế Giới Giấy khi không có đồng nào trong tay, chỉ có một chiếc xe Dream được anh cho lúc mới tốt nghiệp để có phương tiện đi làm. Khi đó, ông đã phải tìm đến bố mẹ, người thân để vay mượn. Hồi đó, mọi người bán gà, bán bò, bán heo, gom góp mỗi người 3 triệu, 5 triệu ông đã vay được tổng cộng 30 triệu đồng.
Thời điểm đó, khi người khác đi làm được 5-7-10 triệu đồng thì họ được xài hết còn ông không dám lấy lương, ăn uống sao cho tối giản nhất còn để lại tiền cho công ty hoạt động. Dần dần, sau nhiều hành trình khó khăn, tưởng như chết đi sống lại cuối cùng thì Thế Giới Giấy cũng bắt đầu ngoi lên.
Nhà sáng lập Thế Giới Giấy chia sẻ, gia đình ông khi xưa rất nghèo, lại đông con, ông khởi nghiệp với mục tiêu thoát nghèo. Từ nhỏ ông đã muốn có tiền, muốn thoát khỏi cái nghèo, do đó ông đã xác định mục tiêu mình phải học hỏi cách làm kinh doanh, phải bán cái gì đó. "Tôi cũng là người có duyên bán hàng, ngày nhỏ ở nhà ai đi bán hàng đều mong ra cổng gặp tôi, được tôi sờ vào hàng", ông Mai Quốc Bình kể lại.
Vào đầu năm 2009, có một lần ông Bình đi siêu thị và nhìn thấy một chị mua giấy để công ty sử dụng. Giấy rất nhiều và cồng kềnh khiến chị không thể chất lên xe được. Khi đó ông Bình đã nghĩ sao chị ấy lại không gọi đến các công ty sản xuất giấy để họ giao hàng cho mà phải tự đi mua một xe giấy như thế. Khi ông thắc mắc thì nhận được câu trả lời là giấy vừa cồng kềnh, vừa không có giá trị nhiều nên không có công ty nào chịu giao hàng cả.
Chính lúc đó, ông Bình đã nghĩ ngay đến chuyện mở một công ty chuyên mua giấy từ các nhà máy, sau đó sẽ giao hàng cho những đơn vị có nhu cầu để lấy lợi nhuận của khâu trung gian này. Đó chính là lý do ông Bình thành lập Thế Giới Giấy, với mục tiêu giúp khách hàng giải quyết được những vấn đề đó, để họ thuận tiện hơn trong việc mua giấy với số lượng lớn. Ban đầu, Thế Giới Giấy chuyên phân phối cho các công ty, dần dần mới xây dựng nhà mày sản xuất giấy của riêng mình.
Khi được hỏi, liệu có phải cái duyên bán hàng chính là nguyên nhân giúp cho doanh nghiệp thành công của mình không, ông Bình đã trả lời rằng. Trong cuộc sống chỉ có cái duyên thôi thì vẫn chưa đủ. Bên cạnh cái duyên đó thì mọi người vẫn cần phải rèn giũa, không ngừng học hỏi.
Hồi còn là sinh viên, ông từng đi làm bán thời gian với nhiều công việc như phát tờ rơi, phục vụ trong các nhà hàng. Quá trình đó đã giúp ông rèn luyện được kỹ năng bán hàng. Để một doanh nghiệp có thể gặt hái được thành công, một trong những điều quan trọng nhất chính là người chủ phải biết cách bán hàng, doanh nghiệp phải bán được hàng và phải thu được tiền về.
Bên cạnh đó, điều quan trọng không kém chính là việc ông Bình xác định mục tiêu cho các doanh nghiệp của mình chính là lớn mạnh nhưng phải đi đôi với phát triển bền vững. Chính vì thế, trong quá trình kinh doanh Thế Giới Giấy luôn đặt lợi ích khách hàng của mình lên đầu, mang đến giá trị thật cho khách hàng, không làm ăn gian dối. Ngoài ra, ông Bình cũng luôn nỗ lực để đội ngũ của mình luôn cảm thấy hạnh phúc khi gắn bó và đồng hành với công ty.
Giờ đây, dù được coi là một doanh nhân khá thành công thì ông Bình vẫn không ngần ngại việc livestream bán giấy, bán các sản phẩm của mình trên các trang mạng xã hội cá nhân. Theo ông Bình, kinh doanh là phải bán hàng, nếu ai đó mà không đủ tự tin để livestream bán hàng hoặc cảm thấy thiếu sang chảnh khi bán hàng thì không nên làm nghề kinh doanh. "Hoặc có thể phong cách của tôi là doanh nhân chân đất, gần gũi với đời thường nên tôi không ngại công việc này", CEO của Thế Giới Giấy chia sẻ.
Sản phẩm của Thế Giới Giấy có nguồn gốc 100% từ bột giấy nguyên sinh được nhập khẩu từ Indonesia và Brazil với hai sản phẩm chính mang đến thành công cho thương hiệu này đó là Roto và An Khang.
Sản phẩm của Thế Giới Giấy hiện đang được phân phối chủ yếu qua kênh B2B. Sau hơn 14 năm thành lập, với hơn 18.000 khách hàng là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, số người sử dụng sản phẩm lên đến 20 triệu người mỗi ngày.
Hiện nay, Thế Giới Giấy có vốn chủ sở hữu lên đến 50 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 140 tỷ đồng; doanh nghiệp đang vay 50 tỷ đồng và chi phí khấu hao duy nhất còn lại của startup này là nhà máy.
Nhà sáng lập tiết lộ, trong vòng 5-6 năm qua Thế Giới Giấy luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% mỗi năm. Năm 2022, doanh số của doanh nghiệp đạt 265 tỷ đồng; 10 tháng đầu năm 2023 đạt doanh số 250 tỷ đồng và Ebitda (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao) là 12%. Dự kiến, doanh số của Thế Giới Giấy sẽ đạt 450 tỷ đồng vào năm 2024; 800 tỷ đồng vào năm 2025; lộ trình sẽ tiến đến IPO vào năm 2028.
Ông chủ của Thế Giới Giấy còn tiết lộ, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 34-35% và vẫn có thể tối ưu để nâng cao được lợi nhuận ròng thông qua phát triển các kênh bán hàng M2C (Manufacturing to Consumer - từ nhà máy đến tay khách hàng), bán cho chính nhân viên của khách hàng B2B để có thể cắt giảm được khoản phí trung gian hoặc mở rộng bán hàng ở tỉnh.