Tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng có nhiều lò mổ gia cầm. Lượng lông gia cầm thải ra môi trường tương đối lớn. Trong khi đó, lông gà phân hủy rất chậm. Điều đó đã thôi thúc anh Nguyễn Hà Thiên (SN 1992) nghiên cứu làm phân bón từ lông gà.
Anh Thiên đã thử mua lông gà về sơ chế, làm khô lông, ủ vi sinh, xử lý qua nhiều công đoạn. Sau nhiều năm nghiên cứu, sản phẩm phân bón đã ra đời. "Khi ra thành phẩm phân bón phải mất từ 35 đến 45 ngày. Sau đó, tôi mang thành phẩm ra thử nghiệm tại vườn nhà và nhận thấy chất lượng phân rất tốt cho cây", anh Thiên chia sẻ.
Tuy nhiên, phân bón dạng bột này lại có mùi hôi, vận chuyển khó, nên anh Thiên lại tiếp tục nghiên cứu chế biến phân dạng nén. Những ngày lang thang các nhà vườn, anh Thiên nhận ra bà con làm vườn lâu năm ủ phân vi sinh với nguyên liệu từ phân gia súc trộn với lá cây, trấu, cám gạo và men vi sinh.
Khi chưa có men, bà con dùng giấm, không chỉ giúp giảm mùi hôi mà còn kích thích vi sinh vật trong hỗn hợp hữu cơ phát triển, phân hủy tạp chất. Anh Thiên quyết định thử nghiệm bột lông gà cùng nguyên liệu khác và men vi sinh để khử mùi hôi.
Từ khi có phân nén, bà con chuyên trồng quất cảnh đã đón nhận sản phẩm này. Loại phân nén từ lông gia cầm có tác dụng nhanh hơn, khiến cây lớn nhanh. Khi dùng để bón lúa và cây ăn quả, cây phát triển rõ rệt.
Tiếng lành đồn xa, bà con nông dân đến mua nhiều hơn, anh Thiên đã hiện đại hóa quy trình sản xuất để đáp ứng nhu cầu, đồng thời tiếp tục nghiên cứu làm các sản phẩm phân hữu cơ khác. Anh đầu tư nhà xưởng, đặt xa khu dân cư để tránh ảnh hưởng đến bà con và bắt đầu sản xuất quy mô công nghiệp.
Hiện tại nhiều người dùng phân vô cơ khiến đất ngày càng trở nên khô cằn. Phân bón làm từ lông gia cầm sẽ góp phần giúp tái tạo, làm tơi đất và tốt cho môi trường”.
Anh Nguyễn Hà Thiên
"Hiện mỗi ngày tôi thu mua khoảng 2 tấn lông gà từ các lò mổ rồi đưa về nhà máy. Ở đây, nguyên liệu đã qua xử lý sẽ được ủ gần 2 tháng mới đưa vào dây chuyền nghiền ép để tạo thành phân bón.
Với việc tận dụng nguồn lông gia cầm này, rác thải ra môi trường sẽ giảm, ít nhất là ở khu vực huyện Duy Xuyên nơi tôi sinh sống và một số huyện khác thuộc tỉnh Quảng Nam", anh Thiên cho biết.
Với ý tưởng làm phân bón từ lông gà, cơ sở sản xuất của anh Thiên đã tạo việc làm cho 4 - 5 người lao động thường xuyên. Lông gà từ các lò mổ ở Quảng Nam, thay vì đổ về bãi rác như trước đây thì nay được nhập vào nhà máy để làm nguyên liệu sản xuất phân bón.